Bài 3. Nâng cao kỹ năng nghề để đón đầu cơ hội - góc nhìn của người học

(BKTO) - Có người đến với học nghề một cách chủ động, theo đam mê, có nhiều người khác học nghề vì tình cờ, nhưng tất cả đều có điểm chung, đó là đều thành công trên con đường nghề nghiệp và chí thú với nghề. Trong bối cảnh mới, với tác động của dịch bệnh, sự xuất hiện của công nghệ, mở cửa thị trường việc làm.. đòi hỏi người lao động cần phải có kỹ năng nghề để tránh bị loại bỏ, thay thế bởi công nghệ hiện đại. Thay vì chạy theo vỏ bằng cấp, trong khi bản thân không phù hợp, người học cần quan tâm đến đào tạo nghề đang rất rộng mở, đa dạng, giàu triển vọng việc làm hiện nay.



Từ chối đại học để học nghề

Những ngày tháng 8 của 2 năm về trước đã trở thành dấu mốc đáng nhớ với giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam, khi Trương Thế Diệu, cậu sinh viên trường nghề đại diện cho Việt Nam lần đầu tiên ghi dấu trên đấu trường nghề quốc tế với tấm Huy chương Bạc danh giá. Với những đóng góp to lớn, Trương Thế Diệu đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều hình thức vinh danh, phần thưởng cao quý khác.
                
   

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng (ngoài cùng, bên phải) bên cạnh Trương Quang Diệu tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019.
   Ảnh: Tổng cục GDNN

   

Tuy nhiên, những thành quả này không phải là bất ngờ với Trương Thế Diệu, hay với những người chứng kiến quá trình học tập, nuôi dưỡng đam mê của cậu. Trương Thế Diệu đến với nghề bằng tất cả niềm đam mê cháy bỏng. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông trên mảnh đất Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ Diệu đã tỏ ra rất hứng thú với các thiết bị điện tử.

Diệu yêu thích những bài tập môn Công nghệ lớp 11, dạng bài vẽ vật thể hình chiếu, điểm Công nghệ luôn đạt 9-10 điểm. Thấy mình có năng khiếu trong lĩnh vực này, Diệu lên mạng tìm hiểu các ngành nghề liên quan. Bởi thế, dù điểm thi đủ để vào nhiều trường ĐH ở tốp khá, nhưng Diệu quyết định chọn học Cao đẳng (CĐ) Bách khoa Hà Nội. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, học nghề sẽ có cơ hội được thực hành, tự tay làm những sản phẩm mình yêu thích và cơ hội tìm kiếm việc làm rộng mở hơn” - Diệu bộc bạch.

Năm ngoái, Diệu đã tốt nghiệp với tấm bằng loại xuất sắc và đang làm công việc của một kỹ sư tại Công ty TNHH Denso (chuyên sản xuất linh kiện ô tô). Đáng nể hơn, cậu được nhận mức lương của chuyên gia từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện tại, Đại sứ nghề 2021 Trương Thế Diệu cũng đảm nhiệm vai trò đào tạo môn Nghề phay CNC cho các thí sinh dự thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022.

Là một trong ba nữ Đại sứ nghề được Tổng cục GDNN bổ nhiệm mới đây, Nguyễn Thị Huyền Trang (giảng viên Trường CĐ Du lịch Hà Nội) cũng là minh chứng rất rõ của việc lựa chọn nghề theo đam mê, năng lực.
                
   

Nâng cao kỹ năng nghề để đón đầu cơ hội, thay vì chạy theo vỏ bằng cấp rồi thất nghiệp. Ảnh: N.LỘC

   

Trước đây, Trang từng thi đỗ ngành tiếng Đức, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhưng quyết định theo học nghề dịch vụ tại Trường CĐ Du lịch Hà Nội. Với niềm đam mê sẵn có, cộng với sự ham học hỏi, Trang đã mang lại vinh quang cho GDNN Việt Nam khi chị giành Huy chương Bạc tại Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN (2005). Trong khi chị tiếp tục thành công và gắn bó với nghề nghiệp đã chọn, thì nhiều bạn cùng trang lứa chọn học ĐH ngày ấy vẫn đang chật vật định hướng lại nghề nghiệp sau tốt nghiệp.

Không chủ động đến với đào tạo nghề, Nguyễn Thị Doan (25 tuổi) - đại sứ nghề năm 2021 không thi ĐH vì điều kiện gia đình không cho phép. Doan đăng ký học tại Trường Trung cấp nghề May và Thời trang Hà Nội, sau đó học tiếp ngành Công nghệ thời trang,Trường CĐ Công nghệ Bách khoa Hà Nội.

Doan chia sẻ, nghiệp may vá đòi hỏi sự tỉ mỉ ở từng đường kim mũi chỉ nên trong thời gian học nhiều khi bạn khá nản lòng, nhưng chị vẫn theo đuổi, không bỏ cuộc giữa chừng. Thành quả của những nỗ lực đó, Doan đã giành giải Nhất Kỳ thi tay nghề quốc gia (2018) và Huy chương Đồng tại Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN (2018). Hiện, Doan đang là chuyên viên thiết kế thời trang cho một DN may mặc lớn tại Hà Nội với mức lương đáng mơ ước.

Nâng cao kỹ năng nghề để đón đầu cơ hội

Trong mùa tuyển sinh, người học luôn phải đứng trước những lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân. Suốt nhiều năm qua, một bộ phận lớn người học, xã hội vẫn nặng tâm lý học ĐH để tìm kiếm tấm bằng, nhiều trường ĐH nhận người học dưới điểm sàn... đã để lại nhiều hệ lụy cho xã hội. Chất lượng đào tạo ĐH giảm sút, tình trạng cử nhân không tìm được việc làm, hoặc làm không đúng đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội và tốn kém cho gia đình. Do đó, đây là thời điểm rất quan trọng mà người học cần tìm hiểu để có lựa chọn đúng đắn con đường nghề của mình.

Box: Lãng phí tiền bạc, thời gian và cơ hội vì chạy theo bằng cấp                
   

Chạy theo bằng cấp, nhiều cử nhân "bỡ ngỡ" với chính nghề được đào tạo để rồi thất nghiệp. Ảnh: N.LỘC

   

Quý I/2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh), số người thất nghiệp có trình độ ĐH là 124.500 người, CĐ là hơn 65.100 người, trung cấp là 52.700 người và sơ cấp nghề là 18.100 người. Nhiều chuyên gia lao động, việc làm cho rằng, trong khi cử nhân không kiếm được việc làm; người tốt nghiệp nghề có công việc ổn định, mức lương khá, nhưng người dân vẫn còn tâm lý thích học ĐH là rất lãng phí, bất cập.

Từ kinh nghiệm thực tế, Trương Thế Diệu cho biết, giai đoạn tạm nghỉ học hiện nay là thời điểm thích hợp để người có nhu cầu học nghề tự tìm hiểu, đánh giá xem bản thân phù hợp với ngành, nghề nào. Ngay từ bây giờ, các bạn cần phải chú trọng nâng cao tay nghề để đón cơ hội việc làm trong tương lai.

Box: Khi có đam mê và nỗ lực theo đuổi, thành công sẽ đến
Trương Thế Diệu: “Tôi thường nói chuyện với các em sinh viên để truyền cảm hứng học tập cho các em. Nhiều em nhắn tin hỏi chuyên ngành này học ra làm việc gì? Phương pháp học tập ra sao? Tôi luôn nhấn mạnh với các em về đam mê và tố chất với nghề. Đây là hai yếu tố then chốt để người học thành công”.

Thực tế hiện nay, để tìm một giảng viên hội đủ cả kiến thức lẫn kỹ năng nghề, Nguyễn Thị Huyền Trang là “của hiếm”. Cũng vì khả năng này, chị thường xuyên được ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mở Hà Nội mời giảng dạy cho sinh viên của trường.
                
   

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang:“Họ mời tôi về giảng dạy là vì tôi có kỹ năng nghề tốt, chứ giảng viên của họ không hề thua mình về kiến thức”.

   

Chị Trang cho rằng, chỉ số đam mê sẽ quyết định các bạn có nên học nghề hay không. Nếu một học sinh thích học ĐH nhưng không đủ khả năng, thì có thể chọn học nghề, sau đó học liên thông lên ĐH. Như vậy vừa có bằng ĐH, vừa có kỹ năng nghề nghiệp tinh thông thì sẽ có nhiều lựa chọn công việc hơn.

Trong khi theo lộ trình từ năm học 2021-2022, mức học phí ĐH dự kiến sẽ tăng mạnh, nhiều bạn trẻ có xu hướng quan tâm hơn tới học nghề. Anh Mai Vinh, học viên giỏi ngành Bếp (Trung cấp Việt Giao) cho biết, trước đây, các bạn trẻ thường quan tâm đến bằng cấp hơn là tay nghề trong khi đây mới là thứ quan trọng. “Không phải con đường nào đẹp nhất cũng dẫn tới thành công. Sau đại dịch, nhiều gia đình sẽ bị khó khăn về kinh tế, học nghề chính là một hướng đi đúng đắn” - anh Mai Vinh chia sẻ và cho rằng, điều đáng mừng là trong 1-2 năm trở lại đây, sự quan tâm của người trẻ dành cho học nghề đã tiến triển hơn.

Còn theo đại sứ nghề Nguyễn Thị Doan, học gì cùng có cái hay riêng. Điều quan trọng nhất vẫn là các bạn trẻ cần xác định đúng đam mê của mình. “Hãy theo đuổi nghề nghiệp bằng sự đam mê và theo năng lực để đón cơ hội việc làm tốt, đừng chạy theo cái vỏ bằng cấp!” - Doan bộc bạch.

Kỳ cuối: Học nghề chất lượng cao, không áp lực học phí, doanh nghiệp đón sẵn - tại sao không?
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Bài 3. Nâng cao kỹ năng nghề để đón đầu cơ hội - góc nhìn của người học