(BKTO)- Từ Hà Nội,men theo Quốc lộ 3, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình theo chân các Kiểm toánviên (KTV) KTNN Khu vực X thực hiện kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia vềxây dựng Nông thôn mới (Chương trình NTM) tại tỉnh Bắc Kạn. Mất gần 5 tiếngròng rã chạy xe, thành phố Bắc Kạn đã dần hiện ra trước mắt, đẹp như một cô gáiTày hiền dịu giữa non xanh nước biếc…



Nông thôn mới bắt đầu từ ý thức

Từng thực hiện nhiều cuộc kiểm toán về chương trình NTM, anh Ma Tiến Hùng - Tổ trưởng tổ kiểm toán chia sẻ: Bắc Kạn là tỉnh miền núi duy nhất có dân số dưới 500 nghìn dân, trong đó 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, mặc dù thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người đều tăng, số hộ nghèo ngày giảm nhưng Bắc Kạn vẫn là tỉnh nghèo và trong tốp khó khăn nhất của cả nước. Thế nên, việc thực hiện Chương trình NTM cũng còn lắm chông gai, đến nay, Bắc Kạn là tỉnh duy nhất trong cả nước chưa có xã nào đạt chuẩn NTM.

Qua chia sẻ của anh, chúng tôi cũng thấy phần nào chặng đường gian nan trong việc triển khai Chương trình NTM của một tỉnh đất rộng người thưa, nguồn lực hạn chế như Bắc Kạn và cũng hiểu rằng công việc sắp tới của các anh - những người sẽ rà soát, kiểm tra đánh giá tính đúng đắn, trung thực của những báo cáo quyết toán cũng như công tác chỉ đạo, điều hành trong triển khai thực hiện Chương trình NTM cũng là điều không hề dễ dàng…

Theo kế hoạch, tổ kiểm toán chọn xã Vũ Muộn tại huyện Bạch Thông là xã đầu tiên thực hiện kiểm toán. Từ quốc lộ 3 leo lên đỉnh đèo Giàng là đến con đường huyết mạch giao thông của ba xã Sỹ Bình - Vũ Muộn - Cao Sơn, dù chỉ dài hơn 13km nhưng quãng đường mang lại đủ các cung bậc cảm xúc. Khi thì nín thở với những dốc cao, vực sâu, cua tay áo hiểm trở, những con đèo cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, lúc lại thấy thật bình yên khi băng qua những thung lũng, cánh đồng thơm mùi lúa độ chín, náo nức nhìn bà con xúng xính váy áo buổi chợ phiên… Ấy vậy mà theo một cán bộ xã Vũ Muộn thì con đường này so với trước khi được cải tạo năm 2015 thì đã là “một trời một vực”. Nếu chỉ cách 1 - 2 năm thôi, thì đi vào xã Vũ Muộn thực sự là một nỗi ám ảnh với cánh tài xế do đường đã xuống cấp trầm trọng. Chỉ 13 km mà đi có khi mất nửa ngày thay vì 30 phút như bây giờ. Đường xấu đến nỗi nhiều đám cưới ở Vũ Muộn, bà con đã phải đi đón dâu bằng xe tải…

Giao thông gần như tê liệt, kinh tế kém phát triển vì thế tỷ lệ hộ đói nghèo của Vũ Muộn luôn ở mức cao nhất, nhì của huyện Bạch Thông. Thời điểm năm 2001 trở về trước, các điều kiện hạ tầng như điện, đường, trạm y tế chưa được đầu tư nâng cấp, xây dựng, có chăng cũng chỉ là tạm bợ. Không ai muốn phấn đấu để có được cái ti vi, chiếc xe máy, vì biết bao giờ mới có điện, có đường để sử dụng. Vì thế, cuộc sống người dân cứ quanh quẩn mãi với cái nghèo nàn, lạc hậu...

Nhưng giờ Vũ Muộn đã khác nhiều. Đồng chí Đinh Quang Cảm - Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn phấn khởi cho biết: Nhờ thực hiện Chương trình NTM, dù xuất phát điểm thấp nhưng đến nay xã Vũ Muộn cũng đã hoàn thành được 6/19 tiêu chí và đời sống người dân đã có những đổi thay rõ rệt. Nếu như năm 2001, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 80% thì đến nay đã giảm xuống còn 37,4% theo chuẩn nghèo mới, 97,6% các hộ dân đã được sử dụng điện, 100% người dân được tham gia các loại hình bảo hiểm y tế… Không chỉ thế, Vũ Muộn đã trở thành vựa ngô lớn nhất của huyện Bạch Thông; lương thực bình quân đầu người của xã đạt 787kg/người/năm vào năm 2015 (năm 2011 là 600kg/người/năm). Để có được như vậy, một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với Vũ Muộn chính là các hộ dân đã hiểu xây dựng NTM là thiết thực và nhiệt tình ủng hộ.

Có mặt tại thôn Tốc Lù, trên con đường giao thông nông thôn dài gần 1km vừa được hoàn thành không lâu, chúng tôi thấy rõ sự phấn khởi của bà con nơi đây. Ông Đinh Như Kiểm - Trưởng thôn Tốc Lù cho biết: Ngày trước, trời mưa to, nhiều hộ gia đình trong thôn phải gửi nhờ xe máy ngoài đường cái vì đi vào rất vất vả. Giờ thì nắng mưa không phải lo. Ông còn “khoe” với chúng tôi: “Đoạn đường này tụi tôi tự thi công đó. Trong thôn, nhà nào cũng tham gia nhiệt tình từ đóng góp đất đến ngày công. Mình làm cho mình chứ làm cho ai đâu mà không nhiệt tình”… Suy nghĩ này cũng không chỉ riêng của bà con thôn Tốc Lù, minh chứng là trong thời qua nhân dân trong xã Vũ Muộn đã nhiệt tình đóng góp được hơn 2.000 ngày công, tương đương khoảng trên 400 triệu đồng; hiến khoảng 2.000 m2 đất trị giá khoảng 100 triệu đồngđể làm đường giao thông nông thôn... Vượt lên trên những khó khăn của một xã nghèo, Chương trình NTM đang dần đem lại một bộ mặt mới cho xã Vũ Muộn chính là sự khởi đầu từ nhận thức “mình làm cho mình” của người dân nơi đây.

Dấu ấn từ những hành trình

Trong vòng 6 ngày, Tổ kiểm toán đã đi xuống 2 xã, đến tận các thôn bản phỏng vấn từng hộ dân để có những đánh giá xác thực nhất của việc triển khai Chương trình NTM tại địa phương. Những ngày đi cùng các KTV, chúng tôi mới hiểu rằng, những khó khăn về điều kiện đi lại, ăn ở cũng chỉ là những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình công tác. Cái khó khăn nhất chính là phải làm sao để tiếp cận, rà soát và có được những số liệu báo cáo chính xác nhất trong khi nhiều các xã vùng sâu, vùng xa việc lưu trữ báo cáo sổ sách còn nhiều hạn chế. Anh Ma Tiến Hùng chia sẻ: Có những xã lần đầu được thực hiện kiểm tra, kiểm toán hay cán bộ phụ trách lưu trữ hồ sơ luân chuyển công tác liên tục nên việc lưu trữ còn chưa bài bản, thiếu sót. Một mặt Tổ kiểm toán phải tư vấn cho địa phương hoàn thiện lại những hồ sơ, báo cáo đó cho đầy đủ, đồng thời vẫn phải bảo đảm tiến độ công việc theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Tổ kiểm toán làm việc tại xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn)

Nhịp độ làm việc căng thẳng, bận rộn là vậy, thế nhưng, sau mỗi ngày làm việc tất bật, bên bữa cơm ấm cúng, thân tình miền sơn cước, những câu chuyện đời, chuyện nghề của các anh lại nở rộ, rộn ràng. Anh Phạm Hữu Thành - KTV KTNN Khu vực X kể cho tôi kỷ niệm “nhớ đời” của cuộc kiểm toán năm 2012 tại huyện Bảo Lạc - Cao Bằng: “Anh em đi ăn cơm về, trời tối nên không để ý dẫm phải con rắn rất to không biết ở đâu bò ra đường “hóng mát”, may anh em phản xạ nhanh né kịp chứ không đã bị mổ trúng. Cả tổ được phen hú vía”…

Đi nhiều, biết nhiều cùng với đủ những trải nghiệm thú vị về nghề nhưng đâu đó vẫn có những trăn trở. Anh Vũ Hồng Phong - KTV KTNN Khu vực X tâm sự: “Một năm đi công tác có khi đến 6, 7 tháng, không thể san sẻ công việc gia đình với vợ, rồi cùng dạy bảo con cái. Vợ con cũng chịu nhiều thiệt thòi… Đã xác định theo nghề kiểm toán mà không có lòng yêu nghề cùng sự thấu hiểu, ủng hộ của gia đình thì khó có thể làm được”. Chắc vì thế, dù công việc bận rộn nhưng tối nào các anh cũng tranh thủ 1 khoảng thời gian cho gia đình, chuyện trò chia sẻ hay thậm chí dạy con học qua điện thoại. Theo các anh, như thế vừa đỡ nhớ nhà cũng vừa san sẻ, động viên được phần nào áp lực cho vợ con.

Chia tay đoàn trong khi các anh vẫn còn tất bật chuẩn bị hồ sơ, báo cáo kết luận cho cuộc kiểm toán. Trên chuyến xe rời Bắc Kạn, dừng chân nơi đỉnh đèo ngắm nhìn một màu vàng trải dài như bất tận của những đồng lúa trĩu hạt. Một bức tranh say đắm của sự đổi thay đang hiển hiện. Đất trời đang thay áo mới, bộ mặt nông thôn trên miền đất đầy khó khăn nhưng giàu truyền thống cách mạng này cũng đang đổi thay từng ngày.../.
Bài và ảnh: Hoàng Long
Cùng chuyên mục
  • KTNN tập huấn quy định giải quyết  khiếu nại của đơn vị được kiểm toán
    7 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Ngày 27/9, KTNN đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán. Lớp tập huấn lần này được tổ chức dành cho các công chức, viên chức thuộc các đơn vị tham mưu, KTNN khu vực, Văn phòng Đảng - Đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp của KTNN. Trong những ngày tiếp theo, một số lớp tập huấn tương tự sẽ được tổ chức dành cho công chức, Kiểm toán viên của các đơn vị còn lại.
  • Về với vùng cao Tây Bắc
    7 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có dịp theo chân kiểm toán viên KTNNkhu vực VII về với xã Bản Xen, huyện Mường Khương (Lào Cai) để thu thập thôngtin, phản ánh về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảmnghèo bền vững giai đoạn 2012-2015. Chuyến đi thực tế làm chúng tôi “thấm” hơn những khó khăn, vấtvả, lòng yêu nghề của những cán bộ kiểm toán đang thực hiện nhiệm vụ tại địabàn vùng sâu, vùng xa.
  • Kiểm toán viên lên miền biên viễn
    7 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Hết đèo Giàng đến đèo Gió rồi Khau Khoang, Cao Bắc,Tài Hồ Sìn… Mảnh đất Cao Bằng - vùng đất từng mệnh danh là “thủ đô gió ngàn”nơi góc trời Đông Bắc - chào đón đoàn công tác chúng tôi bằng những cung đườngsa sẩm mặt mày như vậy. Chiếc xe cứ lầm lũi bò lên “cổng trời”. Ngoài cửa kính,mây trời bảng lảng, anh kiểm toán viên Dương Minh Tuấn chợt ngâm nga câu ca daomột thời xa ngái: “Nàng vềnuôi cái cùng con/Đểanh đi trẩy nước non Cao Bằng”.
  • Đẩy mạnh kiểm toán Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới
    8 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Với mong muốn cung cấp cho Quốc hội, Chính phủnhững thông tin toàn diện, có hệ thống về kết quả thực hiện Chương trình mụctiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (Chương trình xây dựng NTM) trong giaiđoạn 2010-2015, từ đó có những chính sách phù hợp nhằm thực hiện đạt kết quảcao trong giai đoạn tiếp theo, năm 2016, KTNN tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểmtoán chuyên đề về Chương trình quan trọng này.
  • Những cuộc hành trình không mỏi
    8 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Cái Cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồngtiếng khóc nỉ non/ Mình về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trảy nước non Cao Bằng…Thuở thiếu thời, những câu ca dao khiến tôi luôn mường tượng về mảnh đất Cao Bằngnhư một xứ sở nước non huyền bí, xa xăm nào đó và ấp ủ dự định sẽ đến một lần.Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, theo chân những Kiểm toán viên KTNNchuyên ngành V thực hiện khảo sát, thu thập thông tin Chương trình phát triểnđô thị quốc gia cho khu vực vùng núi phía bắc, tôi đã được đến với Cao Bằng.
Về Bắc Kạn