Thận trọng lọc ảo, tránh gây khó thí sinh

(BKTO) - Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tổ chức lọc ảo đối với tất cả các phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Việc lọc ảo giúp giảm tình trạng thí sinh “giữ chỗ”, làm mất cơ hội của thí sinh khác, song nhiều ý kiến băn khoăn việc áp dụng lọc ảo với tất cả các phương thức xét tuyển có thể nảy sinh bất cập, nhất là khi cách làm này mới được áp dụng.



                
   

Cần đảm bảo quyền lợi của thí sinh khi xét tuyển đại học.
   Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Lọc ảo chung với tất cả phương thức xét tuyển

Trong dự thảo Quy chế tuyển sinh, năm nay thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn tiếp tục phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống và sẽ được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.Sau khi có điểm thi tốt nghiệp, Bộ sẽ xử lý nguyện vọng (lọc ảo) của thí sinh ở tất cả phương thức trên cùng một hệ thống chung.

Theo ông Dương Hoài Văn - Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Mở Hà Nội, việc điều chỉnh này sẽ có tác động không nhỏ tới việc đăng ký nguyện vọng và khả năng trúng tuyển của thí sinh. Đơn cử, nếu thí sinh đăng ký vào các trường khác nhau, với nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, thì sau khi hệ thống tiến hành lọc ảo, thí sinh chỉ có thể trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất (nếu đủ điều kiện).

Tuy nhiên, ông Văn cho rằng, đối với quy định các trường được tổ chức đăng ký xét tuyển sớm nhưng không được phép yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn kế hoạch chung của Bộ, mà phải chờ kết quả lọc ảo, sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của trường.
                
   

Giải pháp lọc ảo cần được điều chỉnh để phát huy hiệu quả tối đa.
   Ảnh minh họa

   

Chung ý kiến, đại diện Phòng Tuyển sinh của trường Đại học Điện lực cho rằng, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu đăng ký xét tuyển trên hệ thống theo kế hoạch chung và tổ chức chạy lọc ảo chung một đợt cho tất cả các phương thức tuyển sinh sẽ gây khó cho cả thí sinh và các trường; có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ trong tuyển sinh của trường. Bởi quy định xét tuyển chung tất cả các phương thức xét tuyển cùng một đợt và lọc ảo chung sẽ làm phát sinh nhiều yếu tố kỹ thuật, rất khó để đảm bảo sự thuận lợi cho thí sinh và các trường trong xét tuyển.

Đơn cử, một ngành đào tạo của trường, nhưng có nhiều phương thức tuyển sinh, trong khi hiện nay, ngành đó chỉ quy định chung một mã xét tuyển. Nếu đặt vào cùng một đợt xét để máy tính nhận diện thì mỗi phương thức phải có một mã xét tuyển riêng. “Như vậy mỗi ngành sẽ phải có nhiều mã xét tuyển, khiến thí sinh dễ nhầm mã xét tuyển” - một cán bộ làm công tác tuyển sinh của trường Đại học Điện lực cho biết.

Phải đảm bảo quyền được học tập của thí sinh

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh, trong đó có dự kiến điều chỉnh kỹ thuật về lọc ảo, một số ý kiến cho rằng, phương án này chưa thực sự phù hợp với thực tế tuyển sinh nhiều đợt, nhiều phương thức khác nhau như hiện nay. Chưa kể, nhiều trường cũng băn khoăn khi đây là cách làm mới, nên không rõ việc hệ thống lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển sẽ thực hiện như thế nào, quá trình lọc ảo ra sao, cần có sự thay đổi gì trong cách thức đăng ký xét tuyển của thí sinh để lọc ảo chung hay không.

“Theo dự kiến, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức như học bạ, đánh giá năng lực... được các trường công bố kết quả xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng. Quy định này gây phiền phức cho thí sinh và cần được điều chỉnh cho phù hợp” - lãnh đạo Phòng Đào tạo, trường Đại học Mở Hà Nội nêu ý kiến; đồng thời kiến nghị cần có giải pháp phòng trường hợp thí sinh thao tác sai khi đăng ký nguyện vọng dẫn đến sai sót dữ liệu, thông tin do việc đăng ký được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Đánh giá cao những nỗ lực trong đổi mới tổ chức tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo hướng giản tiện, hiệu quả, TS. Văn Đình Ưng (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cũng cho rằng, dù các biện pháp kỹ thuật có thay đổi ra sao, thì công tác tuyển sinh cũng phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản, đó là công bằng đối với thí sinh. Không để thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực. “Thí sinh phải được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những ngành, chương trình đủ điều kiện trúng tuyển… " - TS. Ưng lưu ý, đồng thời mong muốn sẽ không còn tình trạng thí sinh có điểm thi rất cao, song vẫn trượt đại học như nhiều năm trước đây.

Thông tin với báo chí về những băn khoăn liên quan đến dự thảo Quy chế, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, việc các trường xét tuyển lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo. Các trường vẫn có thể xét tuyển sớm và thông báo danh sách đủ điều kiện trúng tuyển cho thí sinh. Đồng thời khẳng định “Hệ thống của Bộ không xét tuyển mà chỉ hỗ trợ sắp xếp nguyện vọng của thí sinh dựa trên các ưu tiên của các em để lựa chọn ra nguyện vọng cao nhất mà thí sinh có thể trúng tuyển”. Tuy nhiên, bà Thủy cũng thừa nhận hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung không thể loại bỏ hoàn toàn tình trạng thí sinh ảo.

Bà Thủy cũng cho biết, trong thời gian dự thảo Quy chế đang được lấy ý kiến, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe và rà soát để phát hiện, khắc phục các bất cập trong công tác tuyển sinh, những điều chỉnh nếu có sẽ chủ yếu tập trung vào giải pháp kỹ thuật.
N.LỘC
Cùng chuyên mục
Thận trọng lọc ảo, tránh gây khó thí sinh