Đối sách của Việt Nam trước những xu thế kinh tế mới

(BKTO) - TS. VŨ THÀNH TỰ ANH Giám đốc nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh



Kinh tế toàn cầu và khu vực đang trải qua giai đoạn “bình thường mới”

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi thế giới, thay đổi hệ thống kinh tế thương mại toàn cầu, đồng thời đặt ra những thách thức rất lớn cho các nước đang phát triển như Việt Nam, đó là tình trạng kéo giãn khoảng cách tăng trưởng giữa các quốc gia.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới không những chỉ xác lập các tiêu chuẩn mới mà còn có thể tạo ra những bước chuyển quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu.

Nếu như trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, kinh tế thế giới có tốc độ tăng trưởng khoảng 4%/năm thì đến nay, tốc độ này chỉ còn 3%. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn mà các nhà kinh tế gọi là “bình thường mới”, tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước. Quá trình “bình thường mới” không chỉ xảy ra trên phạm vi thế giới mà còn xảy ra trong khu vực châu Á và đối với chính Việt Nam.

Trước đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế mới nổi là khoảng 8,3% thì nay chỉ còn khoảng 6,8%. Ở những nền kinh tế quan trọng nhất như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tốc độ tăng trưởng đều suy giảm đáng kể trong khoảng 10 năm trở lại đây. Với một quốc gia phụ thuộc vào thị trường nước ngoài như Việt Nam, điều này chắc chắn sẽ có tác động quan trọng.

Chúng ta thấy, nền kinh tế Trung Quốc có thể tạo ra những tiềm ẩn rủi ro cho giai đoạn tới, đó là rủi ro về nợ, trong khi đa số nợ của Trung Quốc là nợ xấu. Suy giảm kinh tế từ 10-12%/năm xuống còn 6,5-6,7%/năm và nợ tăng gấp khoảng 4 lần. Những rủi ro này của Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động tới Việt Nam, không chỉ vì Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam mà Trung Quốc còn là một nước láng giềng có mối quan hệ mật thiết trên nhiều lĩnh vực khác.

“Bình thường mới” là xu thế GDP tăng trưởng chậm lại, đồng thời chủ nghĩa bảo hộ và các rào cản về thương mại cũng như sự suy giảm chung về thái độ của công chúng đối với thương mại đã làm chậm tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này. Là một nước phụ thuộc phần lớn vào thương mại, Việt Nam cần phải nhìn điều này như một cảnh báo để vừa hội nhập quốc tế vừa chăm lo cho thị trường nội địa. Đây là một công việc hết sức quan trọng mà các nhà làm chính sách không thể bỏ qua.

Có thể lạc quan một cách cẩn trọng trước dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài

Từ giữa năm 2016 trở lại đây, thương mại quốc tế có dấu hiệu hồi phục. Xu thế hồi phục thương mại duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 2,4% trong năm 2017 và có thể xấp xỉ 3% trong năm 2018. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng của GDP toàn cầu và điều đó có nghĩa là rủi ro vẫn ở phía trước.

Từ giữa năm 2016, sản xuất công nghiệp và thương mại được cải thiện tương đối rõ nét. Điều này một phần phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và nó cũng cho thấy những nước như Việt Nam có thể có thêm cơ hội từ việc hồi phục của khu vực sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu.

Năm 2017, FDI tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2016 và vẫn có xu thế tăng trong giai đoạn tới. Mặc dù Việt Nam đang được hưởng lợi với quá trình này nhưng các nhà phân tích cảnh báo chúng ta vẫn phải thận trọng, bởi lẽ diễn biến của FDI phụ thuộc rất lớn vào diễn biến kinh tế, chính trị thế giới và có thể nhanh chóng đảo chiều.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đang khôi phục và Việt Nam có thể lạc quan một cách cẩn trọng trước các dòng vốn này. Năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Đây là một thành tích rất quan trọng của nước ta. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là vốn đầu tư nước ngoài đó sẽ đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam như thế nào.

Trong giai đoạn 2017-2019, nước ta có 4 nhân tố quan trọng thúc đẩy FDI, đó là: cải thiện tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là sự hồi phục ổn định hơn của châu Âu và Hoa Kỳ; giá của các hàng hóa cơ bản như dầu, nông sản… đang tăng lên; nhu cầu đầu tư tăng lên và sự cải thiện lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia. Thế nhưng, lĩnh vực này cũng tồn tại 4 nhân tố có thể gây cản trở, đó là: lãi suất tăng lên (ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đang có động thái tăng dần lãi suất); rủi ro về địa chính trị; nợ công cao của các nền kinh tế mới nổi; biến động tỷ giá.

Theo báo cáo của WB, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 14 về điểm đến hấp dẫn FDI, năm 2017 đứng thứ 12, tức là đang có sự cải thiện nhỏ trong thứ bậc hấp dẫn đầu tư. Tóm lại, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tương đối khả quan với tốc độ tăng trưởng tăng dần, lạm phát tương đối thấp, giá các hàng hóa cơ bản đang tăng lên.

Xu thế mới và thách thức mới

Có một xu thế đang được dư luận nói đến rất nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu, đấy là xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc cách mạng này sẽ thay đổi toàn diện cách sống, cách kinh doanh, cách tương tác giữa con người và máy móc. Do vậy, cách ban hành chính sách và quản trị quốc gia cũng phải thay đổi. Những tiến bộ mới như trí tuệ nhân tạo, số hóa, công nghệ sinh học của cuộc cách mạng 4.0 đang thể hiện những bước tiến vũ bão và đặt Việt Nam trước chân trời của một cuộc cách mạng mới. Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách phải trả lời được câu hỏi: Việt Nam ở đâu trong quá trình này?

Gần đây, Diễn đàn kinh tế thế giới có báo cáo về chỉ số cạnh tranh toàn cầu 4.0. Nếu so sánh giữa Việt Nam và ASEAN cũng như với thế giới thì khoảng cách vẫn tương đối xa. Đó là: sự sẵn sàng về công nghệ; trình độ của lực lượng lao động; sự sẵn sàng và khả năng đào tạo kỹ năng cho người lao động; khả năng sáng tạo và đổi mới công nghệ. Hầu như với tất cả những điều kiện quan trọng để tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì Việt Nam đang đi sau mặt bằng chung của ASEAN và thế giới. Điều này có nghĩa là nước ta phải chuẩn bị năng lực tốt hơn mới có thể chớp được cơ hội từ công nghệ 4.0.

Hiện nay, Việt Nam tham gia vào tất cả các làn sóng hội nhập kinh tế trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, chúng ta được lợi gì từ sự tham gia này? Nghiên cứu của chúng tôi về hai DN trọng điểm của cụm ngành điện tử là Samsung và Intel cho thấy, về cơ bản các DN của Việt Nam đã không trở thành nhà cung ứng trong chuỗi giá trị của hai DN này. Đa số các nhà cung ứng cấp một và cấp hai là của nước ngoài; dịch vụ xử lý chất thải, dịch vụ về suất ăn công nghiệp cho Samsung tại Thái Nguyên đều đến từ Hàn Quốc.

Điều đó có nghĩa là giá trị gia tăng của Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị gia tăng của Samsung trên toàn cầu chỉ vài điểm phần trăm. Hội nhập là quan trọng nhưng hội nhập như thế nào để có giá trị gia tăng và nâng cao được năng lực sản xuất, tạo ra sự lan toả về công nghệ còn quan trọng hơn nhiều.

Tương tự, đối với các sản phẩm về dệt may. Việt Nam đã xuất khẩu rất nhiều nhưng chủ yếu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Ngay cả khi Việt Nam gia nhập TPP thì cũng chưa chắc Việt Nam đã có lợi về thương mại.

Thách thức cuối cùng là tăng trưởng năng suất đang liên tục giảm. Cụ thể là, giai đoạn 2010-2015, năng suất lao động của Việt Nam khoảng 3,3%, thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn trước. Đây là một trong những ưu tiên rất lớn của Chính phủ hiện nay nên tôi hy vọng Việt Nam sẽ cải thiện được điều này.

Việt Nam đã hội nhập thành công và được hưởng lợi nhiều từ thương mại quốc tế. Tuy vậy, điều quan trọng ở đây là phương thức hội nhập. Hội nhập phải đi đôi với năng lực cạnh tranh, với năng lực sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.

Chúng ta phải tận dụng hiệu quả các cơ hội từ hội nhập quốc tế. Một là, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với tầm nhìn dài hạn, không để DN FDI biến Việt Nam thành một điểm tựa để xuất khẩu mà không có lan tỏa về công nghệ, chỉ tận dụng nhân công rẻ, giá điện rẻ, môi trường rẻ… Đó không phải là cách thức tốt để thu hút đầu tư.

Hai là, Việt Nam phải tìm mọi cách để gia nhập mạng lưới của các tập đoàn đa quốc gia, chẳng hạn, làm thế nào để DN Việt Nam có thể trở thành các nhà cung ứng cấp một và hai cho Samsung, Intel. Ba là, tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu và cải cách thể chế, nâng nền quản trị quốc gia lên một tầm cao hơn. Bốn là, sự phối hợp hiệu quả chính sách của các Bộ, ngành và trong nội bộ từng Bộ, ngành…

Cuối cùng, việc cải cách thể chế trong nước phải song hành với hội nhập quốc tế, ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực mới là then chốt. Nếu chỉ mượn ngoại lực, chúng ta có thể đi được một quãng đường nhưng cuối cùng vẫn phải dựa vào thực lực, vẫn phải dựa vào tiềm năng, sức sống, sức sáng tạo của người dân và DN Việt Nam thì mới có thể bền vững. Chúng ta phải bảo vệ thị trường trong nước, không thể mở toang như thế này.

Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi nào việc hội nhập kinh tế quốc tế song hành với cải cách trong nước thì nền kinh tế mới đạt hiệu quả tối đa về tăng trưởng, về nâng cao năng lực cạnh tranh và người dân mới nâng cao được đời sống và phúc lợi xã hội.
         
Có một xu thế đang được dư luận nói đến rất nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu, đấy là xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này sẽ thay đổi toàn diện cách sống, cách kinh doanh, cách tương tác giữa con người và máy móc. Do vậy, cách ban hành chính sách và quản trị quốc gia cũng phải thay đổi. Những tiến bộ mới như trí tuệ nhân tạo, số hóa, công nghệ sinh học của cuộc cách mạng 4.0 đang thể hiện những bước tiến vũ bão và đặt Việt Nam trước chân trời của một cuộc cách mạng mới. Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách phải trả lời được câu hỏi: Việt Nam ở đâu trong quá trình này?

THÙY ANH (ghi)
Theo Đặc san Kiểm toán số 67 ra tháng 01/2018
Cùng chuyên mục
Đối sách của Việt Nam trước những xu thế kinh tế mới