Đầu tư công và xuất khẩu là động lực chính cho tăng trưởng cuối năm

(BKTO)- Dịch Covid-19 sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế, tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, đầu tư công và xuất khẩu sẽ là động lực chính cho tăng trưởng. Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng Việt Nam sẽ ngăn chặn được dịch trong tháng 9 này và dự báo GDP năm 2020 tăng 3,5% so với năm 2019.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.

   

Do đợt bùng phát Covid-19 thứ 2 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế và làm triển vọng tăng trưởng trở nên bất định hơn, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng Việt Nam trong năm 2020.

Trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT kỳ vọng Việt Nam sẽ ngăn chặn được làn sóng Covid-19 thứ hai trong tháng 9 và dự báo GDP năm 2020 tăng 3,5% so với năm 2019. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tác động tiêu cực của đại dịch đối với ngành dịch vụ sẽ còn dai dẳng và trầm trọng hơn, VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức thấp hơn, chỉ tăng 2,3% so với năm 2019.

Các chuyên gia của VNDIRECT cho rằng, đầu tư công và xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính trong những tháng tới.

Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh

Nhằm đảo ngược xu hướng giảm của tăng trưởng, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính khác suy yếu. Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm 2020 tăng 30,4% so với cùng kỳ, lên mức 250,5 nghìn tỷ đồng (cao hơn mức tăng 27,2% trong 7 tháng năm 2020 và 5,4% trong 8 tháng năm 2019), tương đương 50,7% kế hoạch cả năm đã điều chỉnh.

Theo các chuyên gia của VNDIRECT, kỳ vọng đầu tư công sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nữa trong những tháng tới do Chính phủ có kế hoạch triển khai ba dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông ngay trong tháng 9 này, bao gồm: đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Ba dự án thành phần này có tổng mức đầu tư lên tới 54.000 tỷ đồng (chiếm 45% tổng giá trị đầu tư của toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông), đã được Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công.

Thặng dư thương mại sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tháng 8 ước tính tăng 6,5% so với tháng trước, lên mức 26,5 tỷ USD (+2,5% so với cùng kỳ năm ngoái), lập kỷ lục mới về giá trị xuất khẩu theo tháng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 1,5% so với cùng kỳ lên mức 174,1 tỷ USD.

Theo các chuyên gia của VNDIRECT, động lực kéo xuất khẩu tăng trưởng đến từ khối doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị xuất khẩu của khối ước tính đạt 60,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI giảm 4,5% so với cùng kỳ xuống mức 113,3 tỷ USD.

Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu tháng 8/2020 tăng 8,6% so với tháng trước lên mức 24,0 tỷ USD (+7,3% so với cùng kỳ). Lũy kế 8 tháng, tổng giá trị nhập khẩu giảm 1,7% so với cùng kỳ xuống mức 163,2 tỷ USD do nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người lao động sụt giảm.

Do vậy, lũy kế 8 tháng đầu năm ghi nhận mức xuất siêu lên tới 10,9 tỷ USD, cao gấp đôi so với mức xuất siêu 5,4 tỷ USD của cùng kỳ 2019 và tăng so với mức xuất siêu 8,4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2020.

“Chúng tôi dự báo giá trị xuất khẩu năm 2020 có thể tăng 1,7% so với cùng kỳ lên 268,6 tỷ USD và nhập khẩu giảm 0,4% so với cùng kỳ, xuống mức 252,2 tỷ USD. Ước tính thặng dư thương mại năm 2020 có thể tăng 44% so với năm 2019 lên mức 16,4 tỷ USD” – chuyên gia VNDIRECT dự báo.

“Chúng tôi cho rằng thặng dư thương mại gia tăng sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP cũng như góp phần ổn định giá trị đồng Việt Nam so với các đồng tiền khác” – các chuyên gia của VNDIRECT nhấn mạnh.
Theo Thời báo Tài chính
Cùng chuyên mục
Đầu tư công và xuất khẩu là động lực chính cho tăng trưởng cuối năm