Sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công

(BKTO) - Những bất cập, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của Kiểm toán nhà nước cho thấy cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán.




Hoạt động của kiểm toán viên KTNN tại Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long, Chi nhánh Hà Nội- Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN


24 năm kể từ khi thành lập (1994-2018), KTNNđã có nhiều đóng góp nhằm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, góp phần tăng thu, giảm chi cho ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, những bất cập, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của KTNN cho thấy, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật KTNNnăm 2015 nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Đáp ứng yêu cầu thể chế hóa hoạt động Kiểm toán nhà nước

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh khẳng định là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN luôn xác định nhiệm vụ tham gia, trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; góp phần đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc quản lý, sử dụng ngân sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, đảm bảo tính bền vững ngân sách.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, năm 2018, KTNN hoàn thành 253 cuộc kiểm toán, đạt 100% kế hoạch. Sau các kiến nghị của KTNN, các đơn vị sử dụng ngân sách đã tuân thủ nghiêm túc. Những sai sót về văn bản, chứng từ… đã được khắc phục cơ bản.

Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015 đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII, Kế hoạch 07-KH/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch 735- KH/ĐĐQH của Đảng Đoàn Quốc hội, Nghị quyết 613/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa và cụ thể hóa theo hướng đầy đủ, toàn diện, đúng nguyên tắc hoạt động KTNN là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được Hiến pháp quy định; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, duy trì trật tự, kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật và khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn hoạt động của KTNN hiện nay.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN- Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Việc sửa đổi đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức quốc tế các kiểm toán tối cao (INTOSAI), nhất là về kiểm toán thuế, kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin, các chế tài trong lĩnh vực KTNN phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, việc làm rõ các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công như thế nào là xuất phát từ nguyên tắc ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải được kiểm toán việc quản lý, sử dụng đúng quy định pháp luật, tính hiệu lực, hiệu quả và chống thất thoát lãng phí nguồn lực nhà nước.

Vì vậy, hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan đều phải được kiểm tra (các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ từ NSNNhoặc hưởng các nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu của Chính phủ...).

"Khi KTNN tiến hành kiểm toán cơ quan quản lý nhà nước (thuế, tài nguyên, giao thông, xây dựng...) sẽ chọn mẫu kiểm tra, đối chiếu nhằm phát hiện sai phạm, tồn tại, yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước để kiến nghị chấn chỉnh các sai phạm, chống thất thoát tiền và tài sản nhà nước," ông Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Tạo thuận lợi cho hoạt động Kiểm toán nhà nước

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết hiện nay, thế giới đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo đó các hoạt động đều được điện tử hóa, như: hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử, dữ liệu điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán sẽ giảm nhân lực, rút ngắn thời gian kiểm toán trực tiếp tại đơn vị, nâng cao hiệu quả kiểm toán.

Nghiên cứu luật một số nước cũng cho thấy các nước đều quy định khi thực hiện kiểm toán thì cơ quan kiểm toán được phép truy cập, khai thác thông tin hồ sơ, tài liệu cần thiết qua dữ liệu điện tử. Khi khai thác, truy cập thông tin, dữ liệu điện tử, KTNN chịu trách nhiệm đảm bảo tính bảo mật theo quy định tại Điều 8 Luật KTNN.

Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả hoạt động và trách nhiệm phối hợp xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động giữa KTNN và cơ quan thanh tra, kiểm tra trên tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, dự thảo Luật đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra theo hướng: các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với KTNN xử lý trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Trước khi báo cáo Quốc hội thì KTNN chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán, thanh tra.

Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm LuậtKTNNtừ phía đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhằm khắc phục “khoảng trống” pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

"Thực tế có nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm Luật KTNN, KTNN đề nghị quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm, như: không cung cấp tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán; cản trở việc thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước,"Tổng Kiểm toán nhà nướcHồ Đức Phớc nhấn mạnh.


Theo ĐỖBÌNH/TTXVN

Cùng chuyên mục
Sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công