Phát triển Kiểm toán Nhà nước thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu

(BKTO) - Trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, dự án luật sẽ tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển Kiểm toán Nhà nước; phát triển Kiểm toán Nhà nước thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.



Phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan khác

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, dự án luật sẽ tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN); phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của các địa phương.

         
   
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015
   

Dự án luật như Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chia sẻ, sẽ bảo đảm tính độc lập cao đối với hoạt động KTNN; hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN tương xứng vị trí, vai trò của KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công cao nhất của Nhà nước do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Phân định rõ vị trí, chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát khác của Nhà nước, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu tranh phòng, chống phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật KTNN hiện hành; bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh hay quy định chưa rõ hoặc thiếu thống nhất, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tế hoạt động của KTNN; bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN và các luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo, Luật Giám định tư pháp. Làm rõ và quy định đầy đủ phạm vi, đối tượng, đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm mọi nguồn lực tài chính công và tài sản công theo quy định của Hiến pháp đều được KTNN thực hiện kiểm toán. Tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của KTNN phù hợp với thực tiễn nước ta.

         

Không quy định về các nội dung đổi mới, sắp xếp kiện toàn bộ máy

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN để thể chế Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương, Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ chính trị và Kế hoạch số 735-KH/ĐĐQH14 ngày 18/01/2018 của Đảng Đoàn Quốc hội và nhằm khắc phục một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện Luật KTNN. Một số ý kiến đề nghị, xác định rõ địa vị pháp lý của KTNN trong cơ chế phân công quyền lực nhà nước từ đó xác định mô hình, sửa đổi toàn diện các điều khoản của Luật cho phù hợp với tư tưởng của Hiến pháp và cần tiếp tục hoàn thiện sửa đổi theo hướng KTNN là cơ quan “độc lập chỉ tuân thủ pháp luật”, bổ sung các quy định cụ thể về công khai báo cáo kiểm toán và quy trình thực hiện các khuyến nghị của báo cáo kiểm toán.

         
   
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra
   

Một số ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật là chưa thực sự cần thiết vì sau 3 năm thực hiện, cơ bản Luật vẫn phù hợp thực tiễn; nhiều nội dung sửa đổi liên quan đến các Luật chuyên ngành, nhưng dự thảo Luật chưa quy định rõ, cụ thể để đảm bảo thống nhất; nhiều sửa đổi quan trọng chưa nhận được sự đồng tình của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị không nên bổ sung các quy định liên quan đến Luật khác mà nên tổng kết, đánh giá vướng mắc trong thực tiễn để sửa chính các Luật đó.

Đối với việc thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo trong sửa đổi, bổ sung luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo của Đảng là hoàn thiện các văn bản pháp luật để khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và sắp xếp, kiện toàn bộ máy của KTNN . KTNN đã đề xuất sửa đổi một số nội dung của Luật KTNN hướng tới khắc phục chồng chéo giữa cơ quan thanh tra và KTNN và trình Đề án về số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa các cơ quan của KTNN theo chỉ đạo của Đảng Đoàn Quốc hội. Riêng nội dung “đổi mới, sắp xếp, kiện toàn bộ máy” không đưa vào dự thảo sửa đổi Luật KTNN.


Theodaibieunhandan.vn

Cùng chuyên mục
Phát triển Kiểm toán Nhà nước thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu