Người lan truyền “ngọn lửa nghề”

(BKTO) - Là một trong những công chức thuộc thế hệ đầu của KTNN những ngày mới thành lập, TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III – và lớp cán bộ cùng thời luôn đau đáu suy ngẫm về tương lai phát triển của Ngành.




Một lớp tập huấn nội bộ của KTNN khu vực I, hình thức trao đổi, phổ biến kiến thức phát huy hiệu quả tốt tại các đơn vị KTNN chuyên ngành và khu vực -Ảnh Tư liệu 2011

Địa vị pháp lý của KTNNđược Hiến định - niềm mong ước lớn

Tuổi nghề cũng ngót nghét với tuổi của Ngành, bởi thế, khi nghe anh trải lòng về chặng đường nghề hơn 20 năm, dấu ấn nổi bật ở đó chính là hình ảnh của một KTNN từng bước đi lên, đầy thách thức nhưng cũng rất kiên cường.

TS. Lê Đình Thăng hồi tưởng: thời kỳ đầu khi KTNN chưa phải là cơ quan do Quốc hội thành lập thì việc KTNN có thuộc Chính phủ hay không đã gây nhiều tranh luận. Thời điểm đó, khi Chính phủ trình Dự thảo Luật KTNN tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn ghi nhận KTNN là cơ quan của Chính phủ. Tuy nhiên, quy định này đã không nhận được sự đồng tình. Những lý lẽ được đưa ra, đó là để KTNN hoạt động một cách độc lập, cơ quan này không thể là cơ quan của Chính phủ, mà phải do Quốc hội thành lập. Điều này là phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế.

Trải qua hầu hết các lĩnh vực công tác tại KTNN, những gắn bó của TS. Lê Đình Thăng với Ngành đều là kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng dấu ấn khó quên nhất, theo anh, đó là khi những quy định về ngành KTNN đã được ghi rõ trong Hiến pháp. “Những điều này, từ khi tôi đặt chân vào KTNN đã được các thế hệ đi trước gợi mở. Mặc dù lúc đó, cơ sở pháp lý của KTNN chỉ được ghi gọn trong nghị định của Chính phủ, nhưng chúng tôi đã mơ về một ngày KTNN được Hiến định như bất cứ cơ quan kiểm toán nào trên thế giới” - anh tâm sự.

TS. Lê Đình Thăng xúc động chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán: Trên hành trình tìm đến với “giấc mơ lớn” đó, tập thể KTNN đã trải qua không ít thử thách và để rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi KTNN chính thức được Hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Qua đó, chúng tôi càng nhận thấy trọng trách của mình và của các thế hệ sau làm sao để tiếp tục xây dựng cơ quan KTNN có trách nhiệm, chuyên nghiệp, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với những thế hệ đi trước đã dày công xây nên truyền thống của Ngành.

Nhiệt huyết và khát khao truyền “ngọn lửa nghề”

Có một điều xuyên suốt quá trình công tác của TS. Lê Đình Thăng, đó là sự tâm huyết với nghề và khát khao “truyền lửa nghề” mà bất cứ Kiểm toán viên (KTV) trẻ nào từng tiếp xúc với anh cũng có thể cảm nhận được.

Luôn dành cho công tác đào tạo một vị trí nhất định, TS. Lê Đình Thăng cùng nhiều thế hệ KTV gạo cội của KTNN hôm nay coi việc đào tạo cho thế hệ trẻ là trách nhiệm của bản thân. Anh tâm sự: “Bản thân chúng tôi cũng như các thế hệ đi trước cũng đều phải trải qua giai đoạn làm quen, mới mẻ. May mắn là chúng tôi đã được các thế hệ đi trước dìu dắt, chỉ bảo. Do đó, trách nhiệm của chúng tôi hôm nay là truyền lại tình yêu nghề và những hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ. Tương lai của KTNN thuộc về KTV trẻ”.

Qua từng lớp đào tạo, bồi dưỡng cho KTV mà anh trực tiếp giảng dạy, hay những đề tài khoa học do anh chủ trì nghiệm thu, anh luôn truyền cảm hứng tìm tòi, đổi mới cho thế hệ trẻ. “Tất cả nghiên cứu dù là nhỏ nhất, nếu có đóng góp thực tiễn cho Ngành, rộng hơn là cho đất nước, cho nhân dân thì đều cần phải đào sâu. Còn công tác tại KTNN, chúng tôi sẽ tiếp tục truyền cho các thế hệ sau “ngọn lửa” về tình yêu nghề để cùng xây đắp cho sự nghiệp phát triển của Ngành” - anh chia sẻ.

Không giấu được niềm tự hào, anh cho biết, ít cơ quan nhà nước nào có đội ngũ công chức có trình độ cao, đồng đều như KTNN, trong đó, các KTV trẻ đang dần khẳng định mình. Tuy nhiên, để đảm nhiệm tốt hơn vai trò dẫn dắt sự phát triển của KTNN trong tương lai, ngay từ lúc này, thế hệ trẻ cần tiếp tục trau dồi, tu dưỡng, giữ vững đạo đức nghề nghiệp; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp.

Nhắc lại câu nói của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc “coi đạo đức là sống còn và đạo đức nghề nghiệp là số một”, anh nhấn mạnh, chưa bao giờ câu chuyện đạo đức nghề nghiệp của KTV được đặt ra quyết liệt như lúc này. “Tôi vẫn tâm sự với các KTV trẻ, đó là trước khi hành động, KTV cần phải cân nhắc thật kỹ về hậu quả của hành vi do mình gây nên. Nếu không vượt qua được cám dỗ, KTV sẽ đánh mất tương lai nghề nghiệp, ảnh hưởng đến gia đình, người thân và danh dự của chính bản thân” - anh nói.

Anh hy vọng thế hệ KTV trẻ thắp được ngọn lửa đam mê và trách nhiệm nghề nghiệp để góp phần xây dựng KTNN với sứ mệnh góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững. Và giờ đây, khi nhiều thế hệ KTV đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác, nhưng ngọn lửa yêu nghề vẫn được tiếp nối và truyền dẫn kịp thời cho các thế hệ kế cận.

Chặng đường 24 năm hình thành và phát triển chưa phải là dài đối với một cơ quan nhà nước, nhưng cũng là khá đủ để viết nên những trang sử cho bao thế hệ KTV sau này. Điều quan trọng, đó là sự nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, hăng say với nghề trong mỗi người sẽ đặt những viên gạch móng vững chắc để xây dựng lên hình ảnh về ngành KTNN “công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng” trong lòng nhân dân.

NGUYỄN LỘC (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 27,28 ra ngày 10/7/2018
Cùng chuyên mục
  • Xây dựng văn hóa kiểm toán với những  giá trị cốt lõi để phát triển KTNN bền vững
    5 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Văn hóa kiểm toán (VHKT) là một bộ phận quan trọng của văn hóa công sở, công chức và công vụ; đồng thời là cơ sở đạo đức, trụ cột tinh thần và nguồn năng lượng đảm bảo cho sự phát triển hoạt động kiểm toán, cơ quan KTNN một cách bền vững. Việc thiết lập và triển khai thực hiện VHKT nhằm đạt được các giá trị cốt lõi của Kiểm toán viên (KTV), của cơ quan KTNN, tăng cường tính liêm chính và đạo đức, tinh thần tự hào nghề nghiệp và tăng cường sự gắn kết, đoàn kết trong cơ quan KTNN, trong mỗi đơn vị, đoàn, tổ kiểm toán đã và đang trở thành một yêu cầu tất yếu.
  • Xứng đáng là điểm tựa của nhân dân
    5 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Đó là nhận định chung thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng của nhiều chuyên gia, lãnh đạo địa phương dành cho ngành KTNN khi chia sẻ với Báo Kiểm toán nhân dịp kỷ niệm 24 năm Ngày truyền thống Kiểm toán Nhà nước.
  • Kết quả kiểm toán các dự án BOT: Bản lĩnh và hiệu quả hoạt động của KTNN
    5 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là hình thức đầu tư có nhiều ưu điểm và cần thiết cho phát triển hạ tầng giao thông ở nước ta, tuy nhiên thực tế quản lý loại hình đầu tư này cũng còn nhiều ngộ nhận và sơ hở, dễ bị lạm dụng và gây bức xúc xã hội. Kết quả kiểm toán những dự án BOT thời gian qua đã chứng tỏ bản lĩnh và hiệu quả hoạt động đầy thuyết phục của KTNN.
  • Kiểm toán Nhà nước - Dấu ấn  2 thập kỷ xây dựng và trưởng thành
    5 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, KTNN liên tục nâng cao chất lượng hoạt động và không ngừng hoàn thiện bộ máy tổ chức, luôn khẳng định được vai trò của mình trong tiến trình đổi mới kinh tế - xã hội toàn diện, được Đảng, Quốc hội và Chính phủ tin cậy, được nhân dân tin yêu và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
  • Kiểm toán dự toán NSNN: trái cây nào dưới thấp, dễ với thì hái trước!
    5 năm trước Kiểm toán - Kế toán
    (BKTO) - Vừa qua, TS. Jose Oyola - người từng có 20 năm làm việc tại Cơ quan kiểm toán Hoa Kỳ - đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm với các kiểm toán viên (KTV) của KTNN về vấn đề kiểm toán dự toán NSNN. Phóng viên Đặc san Kiểm toán đã tham dự và ghi lại nội dung cơ bản của cuộc trao đổi này.
Người lan truyền “ngọn lửa nghề”