Tăng hiệu quả chống gian lận chuyển giá để ngăn ngừa thất thoát nguồn lực nhà nước

(BKTO) - (Trích phát biểu của TS. Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước)



Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động chuyển giá là một thực tế phổ biến có tác động tiêu cực tới mọi nền kinh tế không phân biệt quy mô và trình độ phát triển. Hoạt động này trở thành vấn đề nan giải của mọi quốc gia trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế. Ở Việt Nam, cách đây khoảng chục năm, “chuyển giá” vẫn là một khái niệm mới lạ thì hiện nay, nó đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các DN FDI mà còn xảy ra ở cả các DN trong nước (hoạt động này còn được gọi là chuyển giá nội địa).

         
   
Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu chỉ đạo Hội thảo
   
Ảnh: P.Hiến
   
Mục đích của hoạt động chuyển giá là tối thiểu hóa nghĩa vụ tính nộp thuế trong tập đoàn, DN nhằm tối đa hóa lợi nhuận dựa vào chính sách ưu đãi hoặc sự khác biệt về thuế giữa các vùng, miền hay quốc gia. Quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia, nhưng cũng làm xuất hiện nhiều thách thức mới, đặc biệt là công tác chống thất thu ngân sách. Chuyển giá không những là một hình thức gây thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.

Có 4 hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay mà các DN thường sử dụng, gồm: chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, chuyển giá ẩn trong thu nhập, chuyển giá đa chiều và chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác. Trong đó, chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư tức là thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai. Chuyển giá ẩn trong thu nhập tức là giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế. Chuyển giá đa chiều là hình thức các công ty có liên quan thỏa thuận giao dịch không theo giá thị trường nhằm làm đẹp giả tạo tình hình tài chính của nhau và làm thất thu thuế. Chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác là hình thức phổ biến nhất hiện nay về chuyển giá cần có biện pháp hữu hiệu để tăng thu cho ngân sách, tránh thất thoát thuế do hành vi chuyển giá gây nên.

Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống gian lận trong hoạt động chuyển giá (chống chuyển giá), chống thất thu NSNN, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các DN. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.

Thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho NSNN; trong đó có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. Không chỉ các DN FDI mà đến nay, nhiều DN nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu NSNN, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco.

Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ, đúng với bản chất của nó nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.

Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của “kinh tế chia sẻ” và cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức sản xuất và phân phối giữa các chủ thể kinh tế, hoạt động chuyển giá đang có diễn biến phức tạp, tinh vi, không ngừng gia tăng ở các DN FDI và cả ở các DN trong nước đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giá, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN. Vì vậy, công tác kiểm toán chống chuyển giá cần được nghiên cứu, xem xét một cách hệ thống, bài bản, nghiêm túc, từ đó có cách thức tổ chức kiểm toán hiệu quả hơn, chất lượng kiểm toán được cao hơn, qua đó góp phần kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển giá của DN, chống thất thu NSNN. Những vấn đề trong quá trình kiểm toán chống chuyển giá cần được làm rõ từ pháp lý đến mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp và tổ chức thực hiện kiểm toán đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Để hạn chế thấp nhất tác động của hoạt động chuyển giá đã và đang diễn ra, bảo đảm cam kết của Chính phủ Việt Nam về một môi trường kinh doanh mở, lành mạnh, minh bạch, công bằng vì thành công của mọi DN và tránh thất thoát nguồn lực nhà nước, cần làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và vai trò của KTNN trong công cuộc kiểm soát, chống chuyển giá.
         
Tại Hội thảo “Chuyển giá - Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay”, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ 5 nội dung:
   Một là, nhận diện vấn đề chuyển giá ở Việt Nam hiện nay và tác động của chuyển giá đối với nền kinh tế.
   Hai là, đánh giá thực trạng công tác quản lý, kiểm soát chống chuyển giá trong những năm gần đây, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong quản lý, giám sát và triển khai thực hiện chống chuyển giá của DN từ góc nhìn pháp luật, chính sách và quản lý tổ chức thực hiện; những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật qua thực trạng hoạt động chuyển giá.
   Ba là, vai trò của KTNN trong việc chống chuyển giá; xác định nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức kiểm toán về chuyển giá, việc sử dụng kiến nghị kiểm toán của KTNN trong quản lý nhà nước về chuyển giá.
   Bốn là, trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý, kiểm soát chuyển giá của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như vai trò của cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới trong công tác chống chuyển giá của các DN, nhất là kinh nghiệm từ những cơ quan KTNN có uy tín và kinh nghiệm trong kiểm toán chống chuyển giá.
   Năm là, đề xuất các giải pháp đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, kiểm toán chống chuyển giá chống thất thu NSNN; qua đó nhằm nâng cao chất lượng các kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ và các địa phương trong công tác giám sát, quản lý, kiểm soát hoạt động chuyển giá của các DN.
      
(Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc)
   

(*): Tít do Báo Kiểm toán đặt
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 26/7/2018
Cùng chuyên mục
Tăng hiệu quả chống gian lận chuyển giá để ngăn ngừa thất thoát nguồn lực nhà nước