Hải quan kiên quyết buộc hãng tàu tái xuất phế thải nguy hại ra khỏi Việt Nam

(BKTO) - Việc xử lý số phế thải đang tồn đọng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các cảng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan hải quan vẫn kiên quyết buộc các hãng tàu phải tái xuất số rác thải, phế thải này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.



Chưa có chế tài xử lý hãng tàu không tái xuất phế thải nguy hại

Chia sẻ với báo chí, ông Âu Anh Tuấn - Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan - cho biết: Đến ngày 15/02, có 23.453 container phế liệu lưu giữ tại các cảng biển. Trong số này, có 9.825 container lưu giữ trên 90 ngày kể từ ngày hàng đến cửa khẩu chưa làm thủ tục hải quan, 7.048 container lưu giữ dưới 30 ngày và 6.580 container lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày.

Hơn 23.000 container nói trên là tổng số phế liệu đang được lưu giữ tại cảng nhưng không phải tất cả số này là phế liệu nhập khẩu tồn đọng. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 58, Luật Hải quan năm 2014, hàng tồn đọng là hàng mà người đứng trên vận đơn hay chủ hàng từ chối nhận, đồng thời những lô hàng đã tồn quá 90 ngày và cơ quan hải quan gửi thông báo hai lần trong 60 ngày tiếp theo mà không có người đến nhận. Còn những lô hàng vừa nhập về đến cảng, chủ hàng đang chuẩn bị thực hiện thủ tục thông quan hay đã hoàn thành thủ tục, chưa nộp phí lưu kho bãi nên vẫn bị lưu giữ tại cảng nếu chưa quá thời gian nêu trên và có người đến nhận thì không gọi là hàng tồn đọng.

Trong số hơn 23.000 container phế liệu đang lưu giữ tại cảng, có gần 10.000 container phế liệu tồn đọng chủ yếu ở cảng Hải Phòng và Cát Lái - TP. HCM. Việc xử lý số phế thải này đang rất khó khăn vì nhiều lô hàng không tìm được người nhận.

Ông Âu Anh Tuấn cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất khi xử lý phế thải nhập khẩu tồn đọng là phải “đẩy” chất thải, rác có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi Việt Nam. Luật Hải quan năm 2014 quy định rõ: Hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày không có người nhận, gây ô nhiễm môi trường thì phải buộc tái xuất ra khỏi lãnh thổ. Trách nhiệm tái xuất lô hàng “bẩn” ra khỏi Việt Nam là hãng tàu vận tải chính lô hàng đó. Tuy nhiên, điều khó nhất là chưa có chế tài quy định cụ thể khi hãng tàu không tái xuất phế thải gây ô nhiễm môi trường thì sẽ bị xử lý như thế nào.

Từ giữa tháng 9/2018, cơ quan hải quan đã kiểm soát rất chặt chẽ tại các cửa khẩu nhập để ngăn chặn những phế thải không đủ điều kiện được đưa vào Việt Nam. Cơ quan hải quan chỉ cho nhập phế thải, phế liệu trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ cho phép; phế liệu phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; DN nhập khẩu phải có cơ sở sản xuất đảm bảo khả năng xử lý môi trường. Đồng thời, lô hàng phải được ký quỹ để đảm bảo trường hợp không đủ tiêu chuẩn nhập vào Việt Nam thì cơ quan quản lý sẽ dùng số tiền đó để xử lý. Như vậy, lô hàng đáp ứng được đủ các điều kiện này mới được hạ bãi, còn lô hàng không đủ điều kiện như trên thì cơ quan hải quan không cho dỡ hàng, hàng vẫn nằm trên tàu và buộc tàu phải chở đi. Chính vì vậy, không có tình trạng phế liệu không đủ điều kiện về bảo vệ môi trường được đưa xuống cảng biển.

Ông Tuấn cũng cho biết, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi các nghị định liên quan để xử phạt nghiêm các hãng tàu không tái xuất rác thải ra khỏi Việt Nam. Theo đó, có thể phạt tiền, tạm dừng, thậm chí không cho phép hãng tàu vận chuyển hàng hóa mới vào trong nước nếu không tái xuất container phế thải vô chủ ra khỏi Việt Nam.

Đề xuất đấu giá hàng tồn đọng đạt chuẩn

Để kiên quyết yêu cầu các hãng tàu vận chuyển toàn bộ lô hàng phế thải tồn đọng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nói trên ra khỏi Việt Nam, mới đây, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ hai phương án xử lý:
Thứ nhất, bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Trường hợp hãng tàu không thực hiện, cơ quan hải quan lập danh sách các hãng tàu và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam. Quá 30 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan thông báo mà hãng tàu chưa vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Hội đồng Xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức tiêu hủy. Chi phí tiêu hủy trích từ tiền thu được sau khi bán đấu giá đối với lô hàng.

Thứ hai, DN trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy các lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Với phương án này, tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng nhanh chóng, sớm giải tỏa mặt bằng khai thác kinh doanh của DN. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, DN sẽ không đăng ký tham gia đấu giá vì chi phí tiêu hủy rất lớn. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn phương án 1.

Để kịp thời chỉ đạo công tác xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu nguy hại, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) là Tổ trưởng, chịu trách nhiệm chỉ đạo điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019
Cùng chuyên mục
  • Triển khai Kiểm toán từ ngày 01 đến 03/4
    5 năm trước Chuyên mục khác
    (BKTO) - Từ ngày 01 đến 03/4, KTNN đã triển khai kiểm toán: việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2018 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Chuyên đề Việc thực hiện cơ chế tự chủ giai đoạn 2016-2018 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  • Triển khai Kiểm toán từ ngày 18 đến 21/3/2019
    5 năm trước Chuyên mục khác
    (BKTO) - Từ ngày 18 đến 21/3, KTNN đã triển khai kiểm toán: Chương trình Nhà ở xã hội (NƠXH) giai đoạn 2015-2018 tại các quận, huyện: Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh (TP. Hà Nội); hoạt động quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp đô thị năm 2018 của TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi và TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.
  • Tổ chức đoàn kiểm toán chuyên đề:  Mô hình nào sẽ hợp lý và hiệu quả?
    5 năm trước Chuyên mục khác
    (BKTO) - Lựa chọn mô hình đoàn kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) là một trong những nội dung được các đại biểu rất quan tâm tại buổi Tọa đàm khoa học “Tổ chức KTCĐ của KTNN - Thực trạng và giải pháp” vừa qua.
  • Lựa chọn chủ đề kiểm toán: Cần chuyển từ thế bị động sang chủ động
    5 năm trước Chuyên mục khác
    (BKTO) - Việc lựa chọn chủ đề kiểm toán là điều kiện tiên quyết để xác lập giá trị của một cuộc kiểm toán chuyên đề (KTCĐ). Tại Tọa đàm "Tổ chức KTCĐ của KTNN: Thực trạng và giải pháp", các đại biểu đã chỉ ra nhiều hạn chế, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục một cách hiệu quả bước khởi đầu này.
  • Nên giảm bớt mục tiêu để đảm bảo tính chuyên sâu cho cuộc kiểm toán
    5 năm trước Chuyên mục khác
    (BKTO) - Được triển khai thực hiện lần đầu tiên năm 2007, đến nay, kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) đã chiếm khoảng 30% trong tổng số các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện hằng năm. Mặc dù vậy, đây vẫn là một hình thức kiểm toán gây nhiều tranh luận trong quá trình thực hiện.
Hải quan kiên quyết buộc hãng tàu tái xuất phế thải nguy hại ra khỏi Việt Nam