Thực hiện công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch còn khó khăn, vướng mắc

(BKTO) - Sau 1,5 năm triển khai thi hành Luật Quy hoạch theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/2/2018 của Chính phủ, các chuyên gia, nhà quản lý đều nhấn mạnh, việc ban hành Luật Quy hoạch đã tạo khung pháp lý quan trọng nhằm đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tổng hợp, đa ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả về công tác quy hoạch trước đây. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khẩn trương khắc phục.



Những kết quả đáng ghi nhận liên quan đến quy hoạch

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch vừa diễn ra tại Hà Nội,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Trung cho biết, sau 1,5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP đã mang lại một số kết quả bước đầu.

Trong đó, liên quan đến việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 2 luật và 1 pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 52 luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và Nghị định số 41/2019/NĐ-CP ngày 15/5/2019, Nghị định số 53/2019/NĐ-CP ngày 17/6/2019 quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, Nghị định số 56/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định về giá trong hoạt động quy hoạch.Như vậy, các văn bản pháp luật về quy hoạch đã cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý của các cấp, các ngành và triển khai thực hiện lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
                
   

Luật Quy hoạch đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch theo hướng tổng hợp, đa ngành-Ảnh minh họa

   

Bên cạnh đó, trong tổ chức triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng quy hoạch quốc gia để tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch vùng; đã trình Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ lập quy hoạch ngành quốc gia và giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phân vùng để làm cơ sở triển khai quy hoạch vùng.
         
Đến nay, Hội đồng quy hoạch quốc gia đã tổ chức 02 phiên họp và đã có kết luận chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ để sớm trình Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch vùng. Một số Bộ đã xây dựng vàư đang xin ý kiến các cơ quan liên quan về nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia; một số địa phương đã xây dựng xong và đang trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Để giúp cho các Bộ, ngành, địa phương sớm triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021- 2030, Bộ KH&ĐT đã hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương bố trí vốn từ nguồn dự phòng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030. Đồng thời, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật quy hoạch; một số Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành.

Về thực hiện chuyển tiếp các quy hoạch, kết quả đáng lưu ý là Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp trình Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để các Bộ, ngành, địa phương có cơ sở thực hiện bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm nhằm tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
         
Hiện đã có 02 Bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ban hành Quyết định bãi bỏ 58 quy hoạch sản phẩm và 17 địa phương đã ban hành Quyết định bãi bỏ 238 quy hoạch sản phẩm; có 02 Bộ (Xây dựng, KH&ĐT) đang triển khai nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành để thực hiện quản lý nhà nước khi các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực.

Hoàn thiện văn bản hướng dẫn và thống nhất cách hiểu về các quy định

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung, qua thực tế triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP cũng cho thấy tình hình thực hiện còn chậm và có những khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân được Bộ KH&ĐT chỉ ra là do việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và còn có cách hiểu chưa thống nhất về một số quy định của Luật. Vì vậy, việc triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều lúng túng, nhất là việc triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu. Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch chậm được ban hành nên các Bộ, ngành, địa phương chưa có cơ sở để triển khai xây dựng, trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và dự toán kinh phí lập quy hoạch.

Bên cạnh đó, còn có cách hiểu khác nhau về các quy hoạch được thực hiện chuyển tiếp tại Điều 59 Luật Quy hoạch gây lúng túng khi xác định các quy hoạch thuộc phạm vi áp dụng tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch; các quy hoạch nào sẽ được phép điều chỉnh và được điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành cũ hay phải điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch…

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt một số giải pháp.

Một là, khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và xử lý dứt điểm quy định chuyển tiếp quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, trong đó cần tập trung hoàn chỉnh hồ sơ để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch; khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch…

Hai là, tập trung triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch để phục vụ điều hành của các Bộ, ngành và địa phương và làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong vận hành, khai thác và sử dụng chung, trước mắt để đáp ứng cho nhiệm vụ triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch.

Ba là, đảm bảo kinh phí lập quy hoạch và hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán kinh phí, ưu tiên bố trí vốn từ nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của bộ, ngành và địa phương để lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch...

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Thực hiện công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch còn khó khăn, vướng mắc