Thận trọng trong đầu tư, cấp phép các dự án bất động sản nghỉ dưỡng

(BKTO) - Sau 1 giai đoạn giữ vai trò là phân khúc sôi động nhất của thị trường bất động sản (BĐS), tỷ lệ hấp thụ sụt giảm nhanh chóng của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại và khuyến nghị, nên tạm dừng phát triển mới các dự án của phân khúc này.



Giao dịch sụt giảm mạnh

Báo cáo thị trường giao dịch BĐS quý III/2018 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam vừa công bố cho thấy, thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong quý III/2018 ghi nhận sự sụt giảm của cả nguồn cung và lượng giao dịch. Cụ thể, trong quý III, dòng sản phẩm đã “làm mưa làm gió” trên thị trường BĐS mấy năm gần đây là căn hộ - khách sạn (condotel) gần như không có nguồn cung mới chào hàng ra thị trường trên cả nước, ngoại trừ duy nhất 1 dự án ở Nha Trang mở bán lần đầu. Bên cạnh đó, một số nguồn cung chào hàng mới từ các dự án đã mở bán trước đó cũng không được thị trường hấp thụ nhiều. Theo ước tính, hiện có khoảng 15.000 - 20.000 căn condotel chưa bán được.

Thống kê tại một số địa phương phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng trong quý III/2018 cũng cho thấy tỷ lệ hấp thụ của thị trường đang sụt giảm nhanh chóng. Như tại thị trường Nha Trang, lượng mở chào bán mới khoảng trên 1.000 căn, nâng tổng số nguồn hàng condotel lên khoảng 12.000 căn. Nhưng tỷ lệ hấp thụ nguồn hàng này trong quý III chỉ đạt khoảng 20%, giảm mạnh so với quý I và quý II năm nay. Còn tại Đà Nẵng, thị trường BĐS nghỉ dưỡng hiện có khoảng hơn 8.000 sản phẩm chào bán ra thị trường, bao gồm cả số lượng chào bán từ các quý trước và năm trước. Nhưng số lượng giao dịch thành công trong quý III cũng khá khiêm tốn, chỉ chưa đầy 300 sản phẩm.

Đánh giá về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho rằng: Đã đến thời điểm nên tạm dừng phát triển mới các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Các dự án đã và đang triển khai cần tập trung để hoàn thành, đưa vào khai thác kinh doanh, đáp ứng các mục tiêu mà Nhà nước và DN đặt ra ban đầu là tạo các cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch ở Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước, DN và nhà đầu tư.

Kiểm soát chặt việc cấp phép đầu tư các dự án mới

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của thị trường BĐS nghỉ dưỡng, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, có một số nguyên nhân chính như: Nhà nước đã siết chặt dòng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn ngân hàng cho vay đối với BĐS nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, các chính sách của Nhà nước về pháp lý cho các sản phẩm condotel vẫn chưa được tháo gỡ, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư. Một nguyên nhân nữa là năng lực phát triển dự án BĐS nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư hiện nay còn hạn chế. Phần lớn các dự án đều đầu tư xây dựng kéo dài, chậm trễ trong việc đưa dự án vào vận hành khai thác kinh doanh.

Ngoài ra, theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, giá bán của sản phẩm nghỉ dưỡng hiện đang được các chủ dự án đẩy lên ở mức cao, bình quân từ 35 - 50 triệu đồng/m2, thậm chí có những dự án trị giá trên 70 triệu đồng nên khó tạo thanh khoản khi nhà đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng. Phân khúc BĐS này vì thế cũng kém sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lướt sóng trên thị trường.

Trong Báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Xây dựng mới đây, Cơ quan này cũng cho rằng, thời gian qua, có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình BĐS này lớn và đa dạng. Trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua. Bộ Xây dựng cũng kiến nghị, trong thời gian tới, việc cho phép đầu tư mới các dự án BĐS cần được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu, tránh tình trạng dư thừa tồn kho, gây bất ổn cho thị trường BĐS, bảo đảm tuân thủ pháp luật, hiệu quả đầu tư, ngăn chặn các hành vi trục lợi, tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là trong sử dụng đất đai.

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - nhấn mạnh: Thị trường nào cũng tuân thủ theo quy luật cung cầu. Thị trường chậm lại do cần thanh lọc, điều chỉnh. Tuy nhiên, việc thị trường BĐS nghỉ dưỡng nở rộ nhanh nhưng lắng xuống rất nhanh là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư nên cẩn trọng.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 25-10-2018
Cùng chuyên mục
Thận trọng trong đầu tư, cấp phép các dự án bất động sản nghỉ dưỡng