Đề xuất giãn lộ trình siết tín dụng vào thị trường bất động sản

(BKTO) - Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) với những quy định siết chặt nguồn tín dụng vay mua nhà đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến rộng rãi. Những quy định về lộ trình siết nguồn vốn tín dụng trong Dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau về những ảnh hưởng của nó tới thị trường bất động sản (BĐS).



Không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36 sửa đổi có một số quy định liên quan tới tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (15 điểm sửa đổi, tập trung vào điều chỉnh phù hợp với những văn bản mới được ban hành như: Luật Kinh doanh BĐS, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, các thông lệ mới…), cụ thể hóa chính sách định hướng, cũng như tiếp tục điều tiết hoạt động ngành ngân hàng của NHNN.

Từ tháng 01/2019, nguồn vốn tín dụng vào BĐS đã giảm do việc thực hiện quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống còn 40% tại Thông tư 36. Hiện nay, Dự thảo Thông tư 36 sửa đổi tiếp tục giảm tỷ lệ này xuống còn 30%, đồng thời nâng hệ số rủi ro mà các nhà băng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng lên gấp 3 lần, 150%.

Trước nhiều ý kiến lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực của quy định trong Dự thảo đến thị trường BĐS, ông Vũ Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - lý giải: Dự thảo Thông tư sửa đổi quy định này áp dụng đối với khoản vay đầu tư vào tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, không chỉ áp dụng riêng cho lĩnh vực BĐS. Với lộ trình gồm 3 giai đoạn đến năm 2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn xuống còn 30%, NHNN sẽ kiểm soát được rủi ro thanh khoản nhằm bảo đảm an toàn hệ thống trước những thay đổi điều kiện kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Việc Dự thảo Thông tư quy định khoản vay mua BĐS có số dư nợ trên 3 tỷ đồng, áp dụng hệ số rủi ro 150%; từ 1,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng áp dụng hệ số 100%; dưới 1,5 tỷ đồng và các khoản vay mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các dự án, chương trình hỗ trợ của Chính phủ áp dụng hệ số rủi ro 50% nhằm hướng tín dụng BĐS vào nhu cầu thực của người dân, thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội - phân khúc đang thiếu nguồn cung. Do đó, Dự thảo Thông tư không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS - ông Hùng khẳng định.

Cần có lộ trình hợp lý

Tuy nhiên, nguồn vốn của thị trường BĐS lâu nay vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng nên việc siết chặt nguồn vốn này quá nhanh sẽ khiến nhiều DN khó có thể xoay sở. Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và NHNN đề xuất giãn lộ trình siết tín dụng vào thị trường BĐS. Theo HoREA, chủ trương hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: chứng khoán, BĐS, tín dụng tiêu dùng của NHNN là việc làm cần thiết. Tuy trước mắt, việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực BĐS có gây áp lực rất lớn đối với các DN, nhưng đây là áp lực lành mạnh, có tính tích cực, buộc các chủ đầu tư dự án BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng nhằm phát triển thị trường BĐS bền vững.

Tuy nhiên, HoREA đề xuất tiếp tục giữ trần 40% từ nay đến hết năm 2020, kéo dài thêm 6 tháng so với Dự thảo Thông tư. Nguyên nhân theo HoREA là do nhiều DN BĐS chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Cụ thể, cả nước có hơn 10.000 DN BĐS, nhưng mới chỉ có khoảng 65 DN niêm yết trên sàn chứng khoán nên thị trường chứng khoán chưa thực sự là kênh dẫn vốn cho thị trường BĐS.

Mặt khác, số lượng các quỹ đầu tư BĐS, quỹ đầu tư tín thác BĐS (REIT) còn quá ít. Bên cạnh một vài quỹ đầu tư BĐS nước ngoài, mới chỉ có một quỹ REIT trong nước là Quỹ TechReit của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với vốn điều lệ chỉ có 50 tỷ đồng, do vậy, đây cũng chưa thực sự là kênh cung cấp vốn cho thị trường BĐS. Cùng với đó, nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS hiện chiếm khoảng 21% tổng nguồn vốn FDI, tỷ lệ này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của DN đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS… Nhiều chuyên gia kỳ vọng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019 sẽ tạo điều kiện hình thành nhiều quỹ đầu tư BĐS, quỹ REIT để cung cấp vốn cho thị trường BĐS trong thời gian tới.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 20-6-2019
Cùng chuyên mục
  • Gỡ “thẻ vàng” để thủy sản Việt Nam xuất khẩu bền vững
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2019, ngành thủy sản đặt kế hoạch xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD, trong đó, ngành tôm đạt 4,2 tỷ USD, cá tra 2,3 tỷ USD và hải sản 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) có thể ảnh hưởng lớn đến mục tiêu trên.
  • Tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán nhìn từ các doanh nghiệp niêm yết uy tín
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Top 10 doanh nghiệp niêm yết uy tín năm 2019 của nhóm cổ phiếu Blue chip (cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường) chính thức được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 21/6.
  • Xuất khẩu tía tô sang Nhật Bản: Hành trình gian nan, giá trị vững vàng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - “Gói ghém trong giá trị của từng lá tía tô xuất khẩu lên tới 700 đồng/lá phải là sự chuẩn mực đến từng chi tiết mà không phải bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể thực hiện được”. Đó là điều mà chúng tôi rút ra được khi đến thăm trang trại trồng tía tô xuất khẩu của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh tại xã Lâm Thao, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) vào một buổi chiều tháng 6.
  • Xử lý tin đồn - Doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư cần bình tĩnh, sáng suốt!
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Gần đây, thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp tới giá cổ phiếu giao dịch. Trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn, phức tạp, các thành viên thị trường, nhất là nhà đầu tư và DN niêm yết cần bình tĩnh để đưa ra biện pháp ứng phó hiệu quả.
  • EVN quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Giai đoạn 2019-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hoá và thoái vốn theo định hướng của Đảng và Nhà nước, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án Tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DN thuộc EVN giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề xuất giãn lộ trình siết tín dụng vào thị trường bất động sản