Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội và rủi ro

(BKTO) - Các số liệu nghiên cứu cho thấy, năm 2016 là một năm bùng nổ của phân khúc bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm 2017 sẽ tiếp tục là năm “ăn nên làm ra” của phân khúc này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cảnh báo, bên cạnh những hấp dẫn về lợi nhuận cũng còn nhiều rủi ro tiềm tàng cần chú ý khi đầu tư vào phân khúc này.




Các chủ đầu tư uy tín và có tiềm lực tài chính sẽ chiếm lĩnh thị trường BĐS nghỉ dưỡng Ảnh: TS

Thị trường phân hóa và sự bùng nổ của BĐS nghỉ dưỡng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và đơn vị nghiên cứu tư vấn, thị trường BĐS 2017 sẽ trở thành bức tranh với nhiều gam màu sáng và sống động. Nền kinh tế vĩ mô, chính trị bình ổn là nền tảng bền vững cho sự phát triển của thị trường BĐS. Nhờ đó, dòng tín dụng đổ vào BĐS cũng được điều tiết theo xu hướng ổn định. Trên nền thuận lợi này, thị trường BĐS đang được cảnh báo về một thời kỳ phân hóa mạnh. Sau Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một số phân khúc từng là “thỏi nam châm” có hấp lực mạnh mẽ, giờ đang trải qua thời kỳ đình trệ, nhường chân cho những phân khúc mới nổi lên thành xu hướng, đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng.

Theo số liệu thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016 ước đạt hơn 10 triệu lượt khách, tăng 26% so với năm 2015, tính chung 2 tháng đầu năm 2017 ước đạt hơn 2,2 triệu lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2016. Với tốc độ tăng trưởng như vậy thì không khó hiểu khi hầu hết các nhà đầu tư chuyên nghiệp đều đánh giá BĐS nghỉ dưỡng đang là “con gà đẻ trứng vàng”. Thống kê từ Liên minh các sàn giao dịch BĐS G5 cho thấy sự sôi động của phân khúc này: Năm 2016 có gần 44 dự án được chào bán, cung ứng hơn 12.000 căn condotel và hơn 5.000 căn biệt thự ra thị trường. Tính trung bình, hầu như tháng nào cũng có dự án BĐS du lịch - nghỉ dưỡng được chào bán.

Nhận định về cơ hội của BĐS nghỉ dưỡng, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng: BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn tiếp tục là phân khúc có khả năng phát triển tốt nhất trong năm 2017. Hiện nay người dân đang muốn lựa chọn kênh đầu tư mang lại hiệu quả. BĐS nghỉ dưỡng đang chứng minh là một kênh đầu tư hấp dẫn sinh lời cao. Cụ thể, với lợi nhuận thu về ít nhất 8-10%/năm, trong vòng 10-12 năm là khách hàng có thể thu hồi được vốn đầu tư và sau đó là lãi.

Đồng quan điểm, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định: BĐS nghỉ dưỡng không chỉ dành cho những người có tiền, mà còn gắn với một số phân khúc khác như người lớn tuổi và bảo hiểm. Trong bối cảnh tầng lớp trung lưu tăng, cấu trúc dân số đem lại những cơ hội cho BĐS nghỉ dưỡng.

Thuận lợi nhưng cũngrất rủi ro

Bên cạnh sự bùng nổ của BĐS nghỉ dưỡng, nhiều ý kiến cho rằng, sự cạnh tranh ngày càng gay cấn và quyết liệt khiến phân khúc này không còn là sân chơi chung cho tất cả. Những chủ đầu tư giải quyết tốt bài toán kinh tế trong mô hình kinh doanh của mình (quỹ đất địa thế đẹp, kiểm soát chi phí xây dựng, chính sách bán hàng vượt trội, sản phẩm chất lượng tốt, đồng bộ…) sẽ chiếm lĩnh thị trường, mà để làm được những điều này đòi hỏi chủ đầu tư phải có tiềm lực về tài chính.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: BĐS nghỉ dưỡng là một phân khúc mới của thị trường đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Nó có thuận lợi nhưng cũng rất rủi ro. Nếu tôi là người kinh doanh, khi đầu tư, trước tiên tôi sẽ quan tâm đến sức mạnh tài chính của chủ đầu tư ra sao.

Thực tế trên thị trường BĐS cho thấy, không hiếm những chủ đầu tư mất khả năng thanh toán, thậm chí phải tuyên bố phá sản trong khi công trình vẫn còn đang xây dựng dang dở, khiến người mua lâm vào tình cảnh điêu đứng… Với chủ đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh, tiến độ thi công của dự án sẽ được đảm bảo đúng với thời hạn cam kết, mà người mua cũng yên tâm hơn với khoản vốn đang có. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính dồi dào sẽ cho phép chủ đầu tư chi mạnh tay hơn vào đội ngũ tư vấn thiết kế cũng như đội ngũ quản lý, điều hành dịch vụ có chất lượng cao, để dự án có được sự hấp dẫn khi đưa vào sử dụng.

Ngoài vấn đề tài chính, ông Stephen Wyatt - Tổng Giám đốc JLL Việt Nam - cũng cảnh báo về những rủi ro khác khi đầu tư vào phân khúc BĐS nghỉ dưỡng: Đối với người mua và nhà đầu tư, hiện nay để tìm kiếm thông tin về quyền sở hữu của dự án (50 năm hay lâu dài) không rõ ràng. Người mua cũng khó có thể đánh giá năng lực chủ đầu tư trong việc vận hành dự án cũng như khả năng đảm bảo mức lợi nhuận cam kết vì phần lớn các chủ đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam chưa có hồ sơ năng lực mạnh để phát triển loại hình này do BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn non trẻ.

Còn đối với chủ đầu tư, thị trường đang bắt đầu lo ngại về việc phát triển ồ ạt sẽ dẫn đến nguy cơ dư cung. Do vậy, các chủ đầu tư cần cẩn trọng hơn trong cách tiếp cận, đánh giá tiềm năng của dự án trước khi đưa ra quyết định đầu tư phát triển. Cần có cái nhìn tổng quan về thị trường, không chỉ tại thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai để có kế hoạch phát triển phù hợp - ông Stephen Wyatt khuyến nghị.

HOÀNG LONG
Cùng chuyên mục
  • Biến thương hiệu doanh nghiệp thành tài sản hữu hình
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Làm sao có thể biến tài sản vô hình - thương hiệu của DN - thành tài sản hữu hình có giá trị chính là nội dung trọng tâm của Tọa đàm “Sở hữu trí tuệ - Nâng cao vị thế và giá trị doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA) tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/4.
  • Cần sự đồng thuận trước khi  lắp đặt trạm thu phí BOT
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Gần đây, người dân địa phương tại một số trạm thu phí BOT giao thông (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đã có những phản ứng quyết liệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông, trật tự xã hội cũng như lợi ích và uy tín của DN. Các đơn vị quản lý nhà nước, DN và chính quyền địa phương đang tập trung giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, việc nhận diện và giải quyết sự việc còn lúng túng khiến người dân vẫn chưa hết băn khoăn, bức xúc.
  • Ngân hàng cần khẩn trương niêm yết  trên sàn chứng khoán
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việc niêm yết trên sàn chứng khoán giúp ngân hàng có nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn từ các cổ đông và là điều kiện cần thiết để tăng tính công khai, minh bạch của thị trường tài chính. Tuy nhiên, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần hối thúc các ngân hàng lên sàn chứng khoán sau cổ phần hóa nhưng đến nay, chỉ có 10/35 ngân hàng chính thức niêm yết.
  • Triển vọng tăng trưởng  của ngành thực phẩm, đồ uống
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thực tế cho thấy, chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống có quan hệ tỷ lệ thuận với đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Cùng với sự phục hồi của đà tăng trưởng kinh tế thì sức cầu đối với sản phẩm ngành thực phẩm và đồ uống cũng ngày càng tăng lên, giúp ngành này có thể duy trì mức tăng trưởng hai con số.
  • Hoàn thiện hành lang pháp lý  cho phát triển nông nghiệp hữu cơ
    7 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Phát triển nông nghiệp hữu cơ là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hành lang pháp lý để phát triển nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa hoàn thiện đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện tại địa phương. Trước thực tế đó, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội và rủi ro