Chấn chỉnh việc đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trái quy định

(BKTO) - Mặc dù điều kiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định khá chặt chẽ, thế nhưng, thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo đại học (ĐH) vẫn tổ chức thi “chui” để cấp chứng chỉ hoặc “lập lờ đánh lận con đen” nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện.



Nhiều trường tổ chức thi,cấp chứng chỉ “chui”

Mới đây, sự việc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức thi, cấp chứng chỉ trái phép bị phát hiện khiến dư luận vô cùng bức xúc. Sau khi báo chí phản ánh, ngày 22/5, Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT đã vào cuộc và tiến hành kiểm tra việc thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại cơ sở đào tạo này.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - cho biết, sau khi báo chí phản ánh về những tiêu cực thi chứng chỉ ngoại ngữ ở một số trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở được phản ánh có vi phạm. Cụ thể, tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nội dung kiểm tra tập trung vào việc thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, bao gồm cả chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C và chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc được tổ chức thi và cấp tại Trường này. Theo đại diện Bộ GD&ĐT, qua đối chiếu với danh sách các cơ sở được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không thuộc danh sách này, song vẫn tổ chức thi, như vậy là không hợp pháp.

Về phía Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, sau khi việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ “chui” bị phát hiện, Trường đã tạm dừng công tác này để rà soát, kiểm tra các khâu và xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc cấp chứng chỉ cho thí sinh sau kỳ thi, đại diện truyền thông của Trường lại khẳng định là chỉ cấp “chứng nhận”, không phải chứng chỉ. Căn cứ vào thực tế văn bằng Trường đã cấp cho người học là “chứng chỉ”, việc lập luận theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” nhằm thoái thác trách nhiệm của cơ sở đào tạo này là khó chấp nhận.

Trên thực tế, hiện nay, không chỉ giáo viên tiếng Anh mà các cán bộ, công chức, viên chức một số ngành, địa phương được yêu cầu phải có chứng chỉ tiếng Anh theo khung 6 bậc châu Âu để tiếp tục giữ vị trí công tác, chuyển ngạch, nâng ngạch hoặc bổ nhiệm. Tương tự, để được miễn thi ngoại ngữ đầu vào và đầu ra, nhiều học viên các lớp cao học, nghiên cứu sinh cũng cần các chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp... Xuất phát từ những nhu cầu bằng cấp này, nhiều cơ sở đào tạo, các trung tâm đào tạo sẵn sàng tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ trái quy định để thu lợi. Thậm chí, tình trạng rao bán chứng chỉ cũng xuất hiện ngày càng phổ biến.

Cần xử lý nghiêm minh

Qua sự việc trên, nhiều ý kiến cho rằng, các hành vi tiêu cực trong giáo dục, đặc biệt trong thi cử là không thể chấp nhận. Tình trạng vi phạm này, một mặt sẽ làm giảm sút chất lượng đào tạo, mặt khác sẽ để lại nhiều hệ lụy khôn lường trong xã hội.

Nhìn nhận về vấn đề này, TSKH. Nguyễn Xuân Hãn (nguyên giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có hình thức xử lý nghiêm minh, bởi thời gian qua, các tiêu cực trong thi cử tại địa phương đang làm xói mòn lòng tin của người dân đối với ngành giáo dục. Nay, cấp ĐH cũng tồn tại tình trạng này thì khó chấp nhận. “Ngành GD&ĐT đang cố gắng tạo dựng hình ảnh đẹp với người dân, do đó, những “hạt sạn” như thế này cần phải kiên quyết loại bỏ” - ông Hãn nhấn mạnh.

Còn TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - nêu: Các cơ quan báo chí đã phản ánh ý kiến của một số thí sinh “không biết chữ nào” về tiếng Anh nhưng vẫn buộc phải đi thi để có chứng chỉ ngoại ngữ hoàn thiện hồ sơ công chức, viên chức. Trong phòng thi, thí sinh được quay cóp, chép bài của nhau; có trường hợp mang tài liệu vào để chép hoặc dùng máy tính, kết nối mạng để tra đáp án. Thậm chí, giám thị có thể bỏ ra ngoài nhiều giờ đồng hồ hoặc đọc bài cho thí sinh chép... “Nếu sự thật đúng như vậy thì quá khủng khiếp. Theo tôi, việc cần làm tiếp theo của cơ quan chức năng là rà soát kết quả của các kỳ thi tương tự trước đây tại các cơ sở vi phạm để đánh giá mức độ tiêu cực đến đâu” - TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Ðược biết, để ngăn chặn tình trạng tổ chức thi, cấp chứng chỉ trái quy định, Bộ GD&ÐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo thuộc Ðề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tạm dừng các hoạt động tổ chức ôn tập, thi đánh giá ngoại ngữ cho các đối tượng không thuộc Ðề án; chỉ đạo các Sở GD&ÐT rà soát việc cho phép liên kết tổ chức ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ tại địa phương;... Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính trước mắt, về lâu dài, Bộ cần sớm ban hành quy định cụ thể về việc tổ chức ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc của các trường thuộc Ðề án; thực hiện tốt công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại các địa phương...
         
Hiện có 8 cơ sở giáo dục ĐH đủ điều kiện tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, gồm: ÐH Sư phạm TP. HCM, ÐH Ngoại ngữ - ÐH Huế, ÐH Ngoại ngữ - ÐH Quốc gia Hà Nội, ÐH Ngoại ngữ - ÐH Ðà Nẵng, ÐH Thái Nguyên, ÐH Hà Nội, ÐH Cần Thơ và ÐH Sư phạm - ÐH Ðà Nẵng.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 22 ra ngày 30-5-2019
Cùng chuyên mục
  • Hoàn thiện hàng lang pháp lý để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng luôn được xem là phân khúc hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư với mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Trong nửa cuối năm 2019, sự tăng trưởng của thị trường được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục và thậm chí còn được thúc đẩy nhiều hơn nhờ vào các xu hướng mới trên toàn cầu.
  • Quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, lãnh đạo các địa phương, cơ quan quản lý đã thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống dịch lan rộng và tái diễn.
  • Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế phát triển năng động, với nhịp độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực tế đó đòi hỏi nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng ngày một gia tăng. Do đó, bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng mới, nhất là các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng của các ngành vốn tiêu thụ nhiều năng lượng càng cần được chú trọng.
  • Bình ổn thị trường thịt lợn trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Theo số liệu thống kê mới nhất, đến thời điểm này, bệnh dịch tả lợn châu Phi (AFS) đã xảy ra tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện nay, dịch bệnh đã xuất hiện và lan rộng tại tỉnh phía Nam gây lo ngại cho người chăn nuôi và người dân.
  • Kỷ lục của ngành điện lực khi liên tiếp có các dự án điện mặt trời vận hành
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã và đang gấp rút nghiệm thu và kiểm tra điều kiện để đóng điện, hoà lưới các dự án điện mặt trời, cũng như tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư vận hành các dự án nhà máy điện mặt trời hòa lưới chính thức trước 30/6/2019.
Chấn chỉnh việc đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trái quy định