“Bong bóng” bất động sản có quay trở lại?

(BKTO) - Trong thời gian qua, việc giá bất động sản (BĐS) tăng mạnh cùng với những quan ngại về chu kỳ 10 năm lặp lại khủng hoảng của thị trường BĐS đã gây ra những ý kiến trái chiều về việc liệu “bong bóng” BĐS có quay trở lại.



8 dấu hiệu và chu kỳ 10 năm

Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - nhận định: Thị trường hiện nay đã có 8/10 dấu hiệu của “bong bóng” BĐS. Các dấu hiệu như: giao dịch, giá cả, số lượng các công trình khởi công, địa bàn triển khai tăng, chủ thể tham gia thị trường, quy mô, giá trị dự án, nguồn tiền vào các dự án BĐS đều đang tăng cho thấy nguy cơ về một đợt khủng hoảng. Chỉ còn 2 dấu hiệu gia tăng nữa là thị trường sẽ chạm ảnh hưởng vào khủng hoảng 2008-2009 gồm đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất. Tuy nhiên, theo ông Chung, 2 nguồn này đang kéo ngược thị trường BĐS nên tình huống xấu có thể chưa xảy ra.

Bên cạnh đó, chu kỳ 10 năm của thị trường BĐS cũng khiến nhiều người tỏ ra lo ngại. Kinh nghiệm cho thấy, thị trường BĐS có chu kỳ cứ 10 năm lại quay vòng: tăng trưởng - ổn định - nóng sốt - đóng băng - trầm lắng - phục hồi và tăng trưởng trở lại... Trong lịch sử, sau màn tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2007, thị trường BĐS đã nhanh chóng sụp đổ vào giữa năm 2008, trước khi lâm vào suy thoái kéo dài trong giai đoạn 2011-2013. Năm 2017, thị trường BĐS lại đạt được sự tăng trưởng ấn tượng. Chính vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại vết xe đổ của 10 năm trước sẽ lặp lại một lần nữa.

Khó có thể xảy ra “bong bóng” BĐS

Trái ngược với những ý kiến trên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về thị trường BĐS. Bởi lẽ, sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế, những thuận lợi về cơ cấu dân số, thu nhập của người dân ngày càng gia tăng, cùng sự can thiệp bằng cơ chế, chính sách sẽ khiến khả năng xảy ra “bong bóng” BĐS giai đoạn này là rất khó.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM, “bong bóng” BĐS không có khả năng xảy ra trong năm 2018, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả các công cụ về thuế, tín dụng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường BĐS ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu xấu.

Nhận định về khả năng xảy ra “bong bóng” BĐS trong thời gian tới, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cũng nhấn mạnh, chưa có dấu hiệu của “bong bóng” BĐS. “Bong bóng” BĐS phải được thể hiện bằng dấu hiệu sốt đất trên toàn thị trường, diện rộng, với thời gian liên tục. Khi tăng với tốc độ theo ngày, theo tuần trong thời gian ngắn, đường giá đất sẽ tạo thành đường cong đột biến.

Ông Võ phân tích, thị trường hiện nay khác hoàn toàn và không có những bất thường so với đợt khủng hoảng BĐS trước đây (giai đoạn 2007-2008). Thời điểm đó, giá đất biến động trên toàn thị trường, ở mọi phân khúc, thậm chí cả đất nông nghiệp cũng tăng. Tuần này tăng 10% thì tuần sau tăng 25%, nhiều nơi còn tính giá theo ngày, theo giờ. Tình trạng sốt đất vừa qua chỉ xảy ra bất thường với đất nền ở một số tỉnh, thành hoặc những nơi hứa hẹn thành đặc khu. Đây là sốt đất cục bộ cùng với việc đánh vào tâm lý thích đất nền của người Việt và những thông tin không tốt gần đây trên thị trường về phân khúc căn hộ chung cư. Như vậy, không thể gọi là khủng hoảng thị trường hoặc “bong bóng” BĐS.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) - cho rằng, thị trường BĐS không có biến động nhiều trong thời gian qua nhưng tại các khu vực ven đô thị lớn, đặc biệt tại một số đặc khu kinh tế, việc buôn bán, chuyển nhượng đất nền diễn ra phức tạp. Ở thời điểm này, rất khó để đưa ra kết luận có xuất hiện “bong bóng” BĐS hay không bởi cần phải tiến hành rà soát, xem xét ở nhiều khía cạnh. Hiện Chính phủ cũng đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu vấn đề này và sẽ báo cáo trong quý II/2018 nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, không để tình trạng “bong bóng” xảy ra - ông Ninh cho biết.

HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số 25 ra ngày 21-6-2018
Cùng chuyên mục
  • BSR chú trọng tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo thư mời đã được gửi tới các cổ đông, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất - sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất vào ngày 21/6/2018, tại Quảng Ngãi. Những kết quả sản xuất kinh doanh khả quan đang giúp cho BSR rất tự tin trước các cổ đông.
  • Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Với những mục tiêu cụ thể, Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý hạ tầng thương mại đang được Bộ Công Thương xây dựng, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để hoàn thiện và trình Chính phủ.
  • Giảm chi phí thương mại để tăng năng lực cạnh tranh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để giảm chi phí thương mại thông qua hợp lý hóa các biện pháp phi thuế quan hoặc kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu quả quản lý cửa khẩu và dịch vụ hậu cần. Đó là những ưu tiên cải cách để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
  • Hơn 200 doanh nghiệp tham gia Chương trình “Đắk Nông-Mùa bơ chín” năm 2018
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chương trình “Đắk Nông - mùa bơ chín” năm 2018 dự kiến diễn ra từ ngày 18 - 23/7, gồm 280 gian hàng, với 210 DN, một số hợp tác xã và nông dân tham gia. Đây là sự kiện tôn vinh trái bơ lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông.
  • Phát động Cuộc thi Tìm kiếm “Ý tưởng Chuỗi giá trị”
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 22/6, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Thế giới và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tại Việt Nam đã phối hợp phát động Cuộc thi Tìm kiếm “Ý tưởng Chuỗi giá trị” nhằm hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam.
“Bong bóng” bất động sản có quay trở lại?