Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19: "Đòn bẩy" từ chính sách tài khóa

(BKTO) - Trong Báo cáo Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 do Nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện và hoàn thành mới đây đã chỉ ra những thách thức to lớn từ dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế; đồng thời kiến nghị những giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022.PGS,TS. Tô Trung Thành - thành viên nhóm nghiên cứu đã có chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.



                
   

PGS,TS. Tô Trung Thành. Ảnh: N.LỘC

   

* Thưa ông, qua nghiên cứu, ông có thể làm rõ hơn những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua?

Năm 2021 Việt Nam chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ. Về phía cung, sản xuất của các ngành quan trọng bị ảnh hưởng lớn như vận tải, kho bãi; du lịch lưu trú ăn uống; giáo dục và đào tạo; công nghiệp chế biến chế tạo... do nhu cầu suy giảm và chi phí sản xuất gia tăng.

Về phía cầu, do đại dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng khiến thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm sút mạnh. Trong khi động lực quan trọng cho tăng trưởng là đầu tư công thì chưa tạo được đột phá.

Bên cạnh đó, rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính đang gia tăng. Sức ép lạm phát gia tăng do yếu tố chi phí đẩy và chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài. Dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp hơn, thu ngân sách khó khăn khi kinh tế suy giảm và thị trường tài sản điều chỉnh mạnh, trong khi chi ngân sách cho các gói kích thích kinh tế gia tăng.

Tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều so với năm trước nhưng tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp hơn năm 2020, thấp nhất trong vòng hai thập kỷ gần đây. Tín dụng có thể không trực tiếp đi vào sản xuất, mà trực tiếp hoặc gián tiếp, được đẩy vào thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán và vàng), nguy cơ bong bóng tài sản là hiện hữu. Trong khi đó, thị trường trái phiếu DN, chủ yếu ở khu vực DN bất động sản, gia tăng nóng cũng là những dấu hiệu báo hiệu rủi ro tăng cao.

Có thể nói, năm 2021, kinh tế vĩ mô cũng như hệ thống tài chính của Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn, khiến cho quá trình hồi phục kinh tế trở nên khó khăn hơn.

* Trong bối cảnh đó, các chính sách tài khóa được ban hành và phát huy tác dụng ra sao, thưa ông?

Trong năm 2021, Chính phủ đã triển khai một loạt các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế, hướng đến ba nội dung chính: hỗ trợ DN, hỗ trợ an sinh xã hội và tăng cường đầu tư công.

Đối với chính sách hỗ trợ DN, Chính phủ chủ yếu tiếp tục tập trung vào miễn giảm thuế thu nhập; gia hạn thuế; miễn giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giảm giá điện.... Các gói chính sách này có tác dụng hỗ trợ chi phí, giảm áp lực tài chính ngắn hạn cho DN. Tuy nhiên, với điều kiện dịch bệnh còn kéo dài, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lực cầu trong nền kinh tế còn yếu thì hiệu quả của các chính sách này vẫn cần thêm thời gian để ghi nhận. Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ còn dàn trải, chưa thực sự có hỗ trợ đột phá mang tính lan tỏa.

Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội trong năm 2021 đã đạt được những thành công nhất định. Việc hỗ trợ cho người dân thông qua các gói hỗ trợ phần nào giúp người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, hiệu quả của các chính sách này chưa được như kỳ vọng khi các tiêu chí đưa ra còn chồng chéo và yêu cầu thủ tục hành chính còn phức tạp, đặc biệt là liên quan đến các cá nhân, người lao động được thụ hưởng hỗ trợ.

Gói hỗ trợ của Chính phủ được thực hiện thông qua Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và DN do làn sóng dịch lần thứ tư nghiêm trọng và phức tạp hơn rất nhiều so với những đợt dịch trước.

Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản thúc đẩy đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đã có sự cải thiện dần trong năm. Nếu đến cuối tháng 7, tỷ lệ giải ngân mới đạt 36,7% kế hoạch đã tăng lên 77,3% vào cuối năm. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với năm 2020.

Việc chậm giải ngân đầu tư công còn nhiều nguyên nhân không hoàn toàn xuất phát từ lý do dịch bệnh như: công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tâm lý ngại giải ngân, quyết toán vốn nhiều lần của chủ đầu tư/ nhà thầu/ ban quản lý dự án, công tác giao kế hoạch từ trên xuống còn chậm, hạn chế năng lực quản lý của một số Bộ, cơ quan và địa phương.
                
   

Cầnmở rộng hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chú trọng tới nhóm lao động khu vực phi chính thức. Ảnh: N.LỘC

   

* Từ kết quả nghiên cứu, Nhóm đã có những kiến nghị gì để giúp Chính phủ cải thiện tình hình, đặc biệt là trong thực hiện các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, thưa ông?

Chính sách tài khóa phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Theo đó, Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới đây. Như vậy, cần theo đuổi chính sách tài khóa nghịch chu kỳ trong giai đoạn 2022-2023: mở rộng chi tiêu, chấp nhận bội chi cao, ưu tiên cho tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách này chỉ hiệu quả khi chi tiêu đầu tư công hiệu quả. Hiệu quả chi tiêu công sẽ là nhân tố quyết định bền vững nợ công.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ DN, cần hỗ trợ đúng đối tượng và thiết thực hơn. Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch. Mở rộng hỗ trợ tài khóa cần hướng đến khu vực DN mạnh mẽ hơn, tập trung vào hai khó khăn lớn nhất với cộng đồng DN hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Liên quan đến an sinh xã hội, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì, đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức; đơn giản hóa và cụ thể hóa các tiêu chí xác định đối tượng được hưởng trợ cấp.

Liên quan đến chi tiêu đầu tư công, cần tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đi kèm với đó, cần xây dựng cơ chế đặc biệt để giám sát việc thực hiện giải ngân vốn trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo việc giải ngân nhanh chóng nhưng phải có hiệu quả cao, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN LỘC (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19: "Đòn bẩy" từ chính sách tài khóa