Bất cập, lãng phí tại các hầm đi bộ tiền tỷ

(BKTO) - Được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng, song từ nhiều năm nay, hệ thống hầm đi bộ tại Hà Nội thường xuyên vắng người qua lại, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Nhiều ý kiến còn tỏ ra lo ngại, khi những hầm đường bộ vắng vẻ, xuống cấp sẽ trở thành điểm đến của tội phạm và các tệ nạn xã hội.



Hầm đi bộ “vắng như chùa Bà Đanh”...

Trên toàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 30 hầm đi bộ tại các vị trí giao cắt giao thông trọng điểm của các tuyến đường như: Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, ngã tư Kim Liên và Ngã Tư Sở;góp phần giải tỏa xung đột giao thông tại những điểm thường xuyên xảy ra tắc nghẽn. Tuy nhiên, thực tế hầm đi bộ chưa thu hút người dân.

Khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2007, hầm đi bộ Ngã Tư Sở được kỳ vọng sẽ giải quyết được lượng lớn người đi bộ khi tham gia giao thông tại đây. Hầm được thiết kế với hai làn đường, một làn dành cho người đi bộ và một làn dành cho người đi xe đạp rất hiện đại. Hệ thống đèn chiếu luôn được thắp sáng, hằng ngày có nhân viên vệ sinh quét dọn khá sạch sẽ và thông thoáng. Thế nhưng, đến nay, hầm đi bộ Ngã Tư Sở vẫn vắng người qua lại. Những người đi bộ qua hầm, phần lớn là người dân sống quanh khu vực Ngã Tư Sở đi thể dục buổi sáng, hoặc người bán hàng vào tránh nắng, nghỉ trưa...
                
   

Hầm đi bộ nút giao Ngã Tư Sở vắng vẻ, dù được đầu tư hiện đại. Người qua đây chủ yếu là người dân sống gần đó đi tập thể dục

   

Trong khi hầm đường bộ khá vắng người qua lại, tình trạng người, phương tiện vượt rào phân cách để qua đường vẫn diễn ra phổ biến, bất chấp nguy hiểm. Ngay khu vực Ngã Tư Sở, không khó để bắt gặp những cảnh người, phương tiện vô tư vượt rào phân cách để sang đường và tránh… đi xuống hầm.

Vì sao lại có nghịch lý này, khi mà hầm đường bộ tại đây đều khá sạch sẽ? Kết cấu phức tạp, thiếu biển chỉ dẫn... là những nguyên nhân mà người đi đường đưa ra để từ chối đi xuống hầm.
                
   

Ngay bên trên, người dân đường vô tư băng qua đường trái quy định...

   

Trong khi hầm đường bộ Ngã Tư Sở vắng vẻ được lí giải là do hệ thống chỉ dẫn phức tạp, dễ gây nhầm lẫn thì hệ thống hầm đi bộ trên đường Phạm Hùng lại có hệ thống chỉ dẫn đơn giản, nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng vắng vẻ. Nhiều hầm đi bộ trên tuyến Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng then cài”, hoặc trở thành nơi tập kết vật liệu, nơi bán hàng nước của những người dân sống gần đó. Không chỉ gây lãng phí lớn nguồn lực được đầu tư, các hầm đường bộ không được sử dụng, trong khi người dân lựa chọn băng qua đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao.

Nâng cao hiệu quả sử dụng hầm đi bộ

Lí giải về tình trạng các hầm đường bộ đều chung cảnh đìu hiu, vắng người đi, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc Hà Nội cho rằng một số vị trí đặt hầm hiện chưa phù hợp, do có sự thay đổi về kiến trúc, hạ tầng xung quanh. Bên cạnh đó, người dân vẫn có tâm lý thích đi trên mặt đất, trong không gian rộng, thoáng, đủ ánh sáng. Để thay đổi yếu tố tâm lý của người dân không phải dễ, song cần phải thực hiện.
                
   

Cảnh nhếch nhác ngay khu vực hầm đi bộ Cầu Diễn

   

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, trước hết, đối với các vị trí hầm không đủ ánh sáng, hoặc bố trí không gian phức tạp, cơ quan chức năng cần nghiên cứu trang bị đầy đủ các thiết bị, đảm bảo việc đi lại trong hầm được an toàn. Tiếp đó, cần bố trí hệ thống sơ đồ chỉ dẫn đường đi trực quan, dễ theo dõi cho người dân ngay từ cửa hầm và dẫn vào bên trong, tạo dựng cảnh quan thân thiện đối với hầm đi bộ... Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về quy định pháp luật khi tham gia giao thông với hình thức thiết thực, trực quan, dễ nắm bắt.

Trên thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra mà nguyên nhân do người đi bộ gây ra. Tuy nhiên, việc xử lí các trường hợp vi phạm vẫn còn rất hạn chế. Hành vi băng qua đường không đúng nơi quy định được nêu tại điểm a khoản 1 Điều 9, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt “Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn”. Tuy nhiên, chế tài xử phạt đối với người đi bộ vi phạm rất thấp (tối thiểu là 60.000 đồng và tối đa là 200.000 đồng cho 1 hành vi vi phạm) cũng là nguyên nhân khiến cho người đi bộ "nhờn luật".

Do đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng tại các hầm đi bộ hiện nay, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc đô thị, trong đó cần kiểm tra, rà soát và đảm bảo tính an toàn, tiện ích của hệ thống hầm đi bộ, tạo tâm lý yên tâm cho người dân khi lưu thông qua đây; tăng cường công tác kiểm tra, xử lí đối với các trường hợp người đi bộ vi phạm, đi đôi với đó là cần tăng chế tài xử lý đối với người vi phạm; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người đi bộ trong việc chấp hành pháp luật về giao thông.

Bài và ảnh: LÊ PHÚC – NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Bất cập, lãng phí tại các hầm đi bộ tiền tỷ