Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa

(BKTO) - Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Theo thống kê, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia dẫn đầu về lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra.



Thảm họa “ô nhiễm trắng”

Trong số rác thải, chất thải nhựa đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại của các nước, nhất là các nước đang phát triển. Chất thải nhựa chủ yếu dưới dạng chai nhựa, túi nilon và một số loại đồ dùng sinh hoạt phổ biến khác. Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2018, mỗi năm, thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Đáng lo ngại, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất song để phân hủy thì cần từ 500 - 1.000 năm. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, Việt Nam phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn. Riêng tại Hà Nội, số liệu thống kê cho thấy, mỗi ngày, trên địa bàn Thành phố khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn, trong đó, rác thải nhựa chiếm gần 10% (khoảng 60 tấn).

Tuy nhiên, việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Lượng chất thải nhựa và túi nilon sau khi được người dân sử dụng không được phân loại riêng mà để lẫn trong rác thải sinh hoạt, vứt bừa bãi ra môi trường nên rất khó khăn trong việc thu gom, xử lý. Điều này dẫn đến việc rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”. Với số lượng rác thải như trên, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển.

Đánh giá về thực trạng này, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường - cho biết, Việt Nam hiện nay có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. “Nếu chúng ta không có biện pháp kịp thời để hạn chế, khắc phục tình trạng này thì hậu quả sẽ khó lường” - ông Thức cảnh báo.

“Cuộc chiến”chống rác thải nhựa

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm rác thải nhựa. Chính phủ hiện đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và Bộ đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch vào ngày 17/6/2019.

Đặc biệt, trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Rác thải nhựa biển làm suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái biển, là vấn đề cấp bách toàn cầu. Thủ tướng đề nghị các nước chung tay xây dựng các thể chế, quy định về biển và đại dương nhằm kiểm soát, giảm thiểu và ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Hiện nay, phong trào chống rác thải nhựa cũng đã được nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt triển khai như: Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế... Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết: Hà Nội đã tập trung triển khai việc tổ chức ký cam kết chống rác thải có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, phân phối tiêu dùng của TP. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố đến 100% các DN sản xuất và DN phân phối. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến ngày 31/12/2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon.

Bên cạnh những phong trào tự nguyện, theo đánh giá của các chuyên gia, để có những thay đổi mạnh mẽ, cần phải có sự ràng buộc bằng các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường; đưa danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, bao gói, túi xách thân thiện với môi trường vào danh mục các dự án khuyến khích đầu tư xã hội hóa…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng: Cần có những chính sách thuế cao hơn với các sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần có những chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ các nhà sản xuất có công nghệ mới, sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích hỗ trợ người dân sử dụng những sản phẩm này để từng người, từng nhà bỏ thói quen dùng túi nilon.
NAM SƠN
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 18-7-2019
Cùng chuyên mục
  • Để chính sách học bổng  đến gần hơn với học trò nghèo
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cùng với chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ vay vốn học tập; chính sách học bổng đang tạo nguồn hỗ trợ tài chính ý nghĩa cho sinh viên nghèo vượt khó. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng như qua kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều hạn chế trong việc thực hiện chính sách này.
  • Tháo gỡ bất cập về giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ là một trong những thành công nổi bật trong thực hiện chủ trương đổi mới tài chính của ngành y tế. Tuy nhiên, các quy định về giá dịch vụ y tế hiện nay còn không ít bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh cũng như hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh.
  • Sáu tháng đầu năm, doanh thu du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 8,4 triệu lượt khách (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018); phục vụ 45,5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 22,9 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu từ khách du lịch đạt 338 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4%) so với cùng kỳ năm 2018.
  • Gần 780 nghìn lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại cuộc họp báo thông tin về việc thực hiện chính sách lao động, người có công trong 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra ngày 2/7, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết đã giải quyết việc làm cho trên 780 nghìn người lao động (bằng 99% so với cùng kỳ năm 2018).
  • Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo năm 2019
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại buổi họp báo thông tin về thực hiện chính sách lao động, xã hội 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra ngày 02/7, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã thông tin về Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo năm 2019.
Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa