Sửa Luật Giao thông đường bộ: Cần phù hợp với điều kiện Việt Nam

(BKTO) - Cấm vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc; xe máy phải bật đèn vào ban ngày… là những đề xuất đang gây tranh cãi, sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa những quy định này vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Bản Dự thảo này đang trong giai đoạn lấy ý kiến nhân dân, dự kiến kéo dài đến ngày 21/6 tới.




Nhiều quy định của Dự thảo Luật GTĐB khi đưa ra đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Ảnh: Hoàng Ngân

Nhiều quy địnhkhông phù hợp

Bộ GTVT nhận định, sau 12 năm thực hiện, Luật GTĐB 2008 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường bộ; góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc; thúc đẩy phát triển GTVT và kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nhiều hạn chế cũng đã phát sinh, yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình giao thông Việt Nam hiện nay.

Mặc dù vậy, tại nhiều quy định của Dự thảo Luật GTĐB khi đưa ra đã ngay lập tức nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Điểm đáng chú ý là việc bắt buộc phương tiện xe máy, xe đạp điện... phải bật đèn khi tham gia giao thông. Cụ thể, khoản 3, Điều 27 Dự thảo Luật quy định: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”. Đại diện Bộ GTVT lý giải, các quy định trên được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968). Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người lái dễ dàng nhận diện các xe đang chạy.

Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị, trường hợp nút giao ùn tắc, kể cả có đèn xanh các phương tiện vẫn phải dừng lại, nếu cố vượt có thể bị xử phạt. Cụ thể, Điều 13 của Dự thảo Luật đưa ra quy định mới về tín hiệu đèn giao thông. Tín hiệu đèn đỏ và đèn vàng vẫn giữ nguyên như trong Luật GTĐB 2008; tín hiệu đèn xanh thay vì nghiễm nhiên được di chuyển, các phương tiện sẽ phải dừng lại trong trường hợp hướng đi tới đang bị ùn tắc. Nếu tiến vào nút giao sẽ không thoát ra được trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho hướng khác tiến vào nút giao.

Máy móc và không cần thiết

Trao đổi với báo chí về đề xuất người tham gia giao thông không được đi đến khu vực có ùn tắc kể cả khi có tín hiệu đèn xanh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT Nguyễn Văn Thụ cho rằng, về mặt lý thuyết thì đây là điều đúng nhưng thực tế rất khó áp dụng tại Việt Nam. Bởi, hạ tầng giao thông của nước ta chưa đáp ứng được việc thực hiện quy định này. “Các nước trên thế giới có nhiều con đường kết nối với nhau, không đi đường này thì đi đường khác. Như thế, khi có ùn tắc tự động người tham gia giao thông sẽ rẽ sang một hướng khác. Còn ở Việt Nam, hạ tầng giao thông đang hạn chế, nếu không đi hướng đó thì chẳng biết đi hướng nào. Hơn nữa, vào giờ cao điểm thì cung đường nào cũng đặt trong tình trạng báo động ùn tắc, nếu áp dụng quy định như trong Dự thảo Luật thì người tham gia giao thông phải di chuyển đi đâu?” - ông Thụ đặt vấn đề.

Trong khi đó, Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức nhận định, đề xuất này của Bộ GTVT cũng có cơ sở pháp lý, đúng với lý thuyết giảm, tránh ùn tắc giao thông. Nhưng đây không phải luật mà nó thuộc về "tục" nhiều hơn. Ở nước ngoài họ áp dụng thành công là do ý thức tham gia giao thông rất cao, trong khi ở Việt Nam thì văn hóa giao thông luôn bị đánh giá kém, mạnh ai người ấy đi. Do đó, đề xuất người tham gia giao thông không được đi đến khu vực có ùn tắc kể cả khi có tín hiệu đèn xanh sẽ khó áp dụng vào thực tế.

Bình luận về đề xuất bắt buộc phương tiện xe máy, xe đạp điện... phải bật đèn khi tham gia giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Công ước 1968 có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu do ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện. Còn ở Việt Nam - một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao - nếu bật đèn sẽ gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều; đồng thời, tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. “Tôi cho rằng quy định này áp dụng với nước ta là không cần thiết. Việc bật đèn không giảm thiểu được tai nạn giao thông mà còn tác dụng ngược” - ông Quyền khẳng định.

Chia sẻ về các đề xuất nói trên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc học hỏi kinh nghiệm, mô hình ở nước ngoài trong quá trình xây dựng văn bản luật là rất cần thiết, không chỉ ở nước ta mà tại bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, nếu bê nguyên mô hình của nước ngoài một cách máy móc mà chưa có sự lựa chọn, nghiên cứu, đánh giá về tính phù hợp với điều kiện thực tế trong nước thì sẽ gây ra những hệ lụy rất khó lường.

HÒA LÊ
Cùng chuyên mục
  • Lời cảnh báo từ WHO: Virus SARS CoV-2 có thể sẽ không bao giờ biến mất
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chuyên gia khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra lời cảnh báo, có nhiều khả năng virus Corona mới sẽ giống như HIV - không thể tiêu diệt và nhân loại sẽ phải học cách sống chung với nó.
  • Sẽ ra sao nếu không bao giờ có vaccine ngừa Covid-19?
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Khi nhiều quốc gia vẫn đang tiếp tục bị phong tỏa bởi đại dịch Covid-19 và hàng tỷ người dân mất việc làm, cả thế giới đang hy vọng một bước đột phá khoa học sẽ đánh dấu sự kết thúc của đại dịch Covid-19, đó là nghiên cứu và điều chế thành công vaccine. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi vaccine ngừa SARS-CoV-2- virus đã lây nhiễm cho hơn 4 triệu người trên toàn cầu - sẽ không được điều chế thành công?
  • Nhiều đề xuất mới trong quy chế đào tạo trình độ đại học
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học, trong đó có bổ sung nhiều đề xuất mới.
  • Đổi mới phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 và vấn đề số hóa đối với lao động di cư, việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là yêu cầu cấp thiết nhằm đổi mới một cách căn bản phương thức quản lý hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, để phù hợp với những tiến bộ mới về khoa học công nghệ, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.
  • Tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Công tác tuyên truyền kỷ niệm cần đa dạng, phong phú, có sức lan tỏa sâu rộng, tương xứng với tầm vóc lịch sử, thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, góp phần tạo nên không khí phấn khởi thi đua và sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương, cơ sở.
Sửa Luật Giao thông đường bộ: Cần phù hợp với điều kiện Việt Nam