Sửa đổi quy định kinh doanh vận tải ô tô: Loại bỏ các điều kiện vô lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

(BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa tiếp tục trình Chính phủ lần thứ 5 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vận tải bằng ô tô sau 4 lần thất bại. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, Dự thảo lần này vẫn còn nhiều nội dung bất cập, những quy định hành chính vô lý.



Dự thảo mới vẫn làm khódoanh nghiệp

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), so với Nghị định 86, Dự thảo Nghị định sửa đổi lần này có nhiều điểm mới như: đưa vào định nghĩa ĐKKD, mở rộng phạm vi quy định về ĐKKD, bỏ một số quy định, điều kiện về màu sơn biểu trưng, niêm yết logo... Tuy nhiên, Dự thảo lại bổ sung tới 85 ĐKKD trong khi chỉ có 12 ĐKKD của Nghị định 86 được cắt bỏ. Đặc biệt, nghiên cứu của CIEM cho thấy, trong số 85 ĐKKD bổ sung, có tới 21 ĐKKD được quy định là “theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT”. Cách soạn thảo đó đã vô tình hoặc cố ý tạo dư địa để tùy ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN hoặc đưa ra các công cụ quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan, công chức nhà nước; tạo rào cản hay đẩy khó khăn, rủi ro về cho DN.

Nhận xét khái quát về Dự thảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico Trương Thanh Đức thẳng thắn nhìn nhận, những nội dung thay đổi trong Dự thảo không phải là đổi mới, càng không phải là đột phá, mà mới chỉ là sửa chữa sai lầm, nhầm lẫn, vô lý, cản trở phát triển. Đặc biệt, những giải pháp được cho là để ngăn chặn tình trạng “xe dù bến cóc” quy định trong Dự thảo sẽ tạo ra những rào cản kinh doanh không cần thiết. Cụ thể, quy định đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng nhằm chống xe trá hình tuyến cố định, khó dẹp bỏ “xe dù, bến cóc” là không hợp lý, phủ nhận thực tế tốt, hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng, đi ngược lại cách thức kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tận dụng tối ưu năng lực, phương tiện và khuyến khích nền kinh tế chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi (TP. HCM) cho rằng, Dự thảo Nghị định còn rất nhiều nội dung chưa phù hợp, không đề cập đến những bất cập, khó khăn, trở ngại của DN. Đơn cử, quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau. “Chúng tôi chỉ có 1 ô tô, ký hợp đồng với 1 DN hằng tháng đưa khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về TP. Vũng Tàu 15 chuyến/tháng. Nay với quy định này, chúng tôi phải sử dụng xe vào những tuyến không phải thế mạnh của mình và mua thêm xe để đáp ứng không vượt quá 30% tổng số chuyến. Với DN lớn có nhiều xe, họ có thể sử dụng xoay vòng, nhưng các DN vừa và nhỏ chỉ có nước chờ phá sản” - đại diện DN Thành Bưởi lo lắng.

Cần sửa Luật Giao thông đường bộ

Để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của Dự thảo, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần đổi mới quan niệm về mô hình kinh doanh, thừa nhận thế mạnh của các đơn vị công nghệ là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại để xử lý hệ thống dữ liệu lớn; tận dụng thành quả của kinh tế chia sẻ để tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Hơn nữa, phải loại bỏ các điều kiện, thủ tục không cần thiết, can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của DN, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho DN.

Ông Trương Thanh Đức cho rằng, hiếm có văn bản nào lại gian truân như Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86. Cả 4 lần trước đều đã xong ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, nhưng 4 lần Bộ GTVT trình Chính phủ đều thất bại. Đến Dự thảo trình Chính phủ lần thứ 5 này, khả năng vẫn khó thông qua bởi vẫn còn quá nhiều ý kiến khác nhau. Theo ông Đức, những bất cập hiện nay không chỉ nằm ở Dự thảo Nghị định thay thế mà đã mang tính hệ thống. Trong khi Luật Giao thông đường bộ 2008 vẫn giữ nguyên thì 3 Nghị định hướng dẫn trước đây (Nghị định số 91/2009/NĐ-CP; 93/2012/NĐ-CP; 86/2014/NĐ-CP) và sắp tới là Nghị định thay thế này đều có nội dung quá khác nhau. Vì khác nhau nên chắc chắn sẽ tồn tại những nội dung chưa đúng với tinh thần Luật Giao thông đường bộ. Do đó, cần phải xem xét việc sửa Luật bởi Luật đã ban hành được 10 năm.

Góp ý cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung đề xuất, cần chuyển mạnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực này từ tiền kiểm sang hậu kiểm và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Trước xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện, quản lý nhà nước vừa phải tạo lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các DN công nghệ xuất hiện và phát triển; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 35 ra ngày 30-8-2018
Cùng chuyên mục
  • Chung tay vượt khó, ngành giáo dục sẵn sàng cho năm học mới
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chỉ còn ít ngày nữa, hàng triệu học sinh, sinh viên trên cả nước sẽ chính thức bước vào năm học 2018-2019. Công tác chuẩn bị cho năm học mới, hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp học, đặc biệt là tại các điểm trường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn đã được chú trọng và gấp rút hoàn thành.
  • Phát động cuộc thi ảnh “Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Việt Nam”
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Kỷ niệm 40 năm Tuyên bố Alma-Ata về Chăm sóc sức khỏe ban đầu, sáng 29/8, Báo điện tử VOV.VN phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Bộ Y tế tổ chức Cuộc thi ảnh với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân Việt Nam”.
  • Triển khai Dự án chăm sóc sức khoẻ phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hoá học
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sáng 29/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai và tập huấn thực hiện Dự án chăm sóc sức khoẻ phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hoá học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021.
  • Tháo gỡ điểm “nghẽn” trong tự chủ đại học
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Xuyên suốt các buổi hội thảo xoay quanh việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học (GDĐH) hiện hành diễn ra gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, các giải pháp đổi mới GDĐH, trong đó, cốt lõi là vấn đề tự chủ ĐH phải phù hợp với điều kiện trong nước và có lộ trình nhưng không thể đi ngược với xu thế của thế giới.
  • Đổi mới và phát triển dạy nghề: Còn nhiều khó khăn, thách thức
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sau 5 năm triển khai Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 và Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” giai đoạn 2011-2015, quy mô tuyển sinh, số lượng người được đào tạo nghề ngày càng tăng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề vẫn còn những khó khăn, hạn chế.
Sửa đổi quy định kinh doanh vận tải ô tô: Loại bỏ các điều kiện vô lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp