Nguy cơ thất thoát trong khai thác, sử dụng tài sản công

(BKTO) - Đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê phải lập đề án, được cơ quan có thẩm quyền cho phép và phải chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... Tuy nhiên, các quy định này đang bị nhiều đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) làm trái hoặc thực hiện không đầy đủ.



Quản lý đất công còn lỏng lẻo

Theo danh sách do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, Bộ VH,TT&DL có 55 ĐVSNCL trực thuộc. Số tài sản công mà các đơn vị này nắm giữ được xác định là rất lớn. Việc quản lý nguồn tài sản này, trong đó có tài sản mặt bằng trụ sở được thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Nghị định 151).

Tuy nhiên, nhiều ĐVSNCL thuộc Bộ vẫn để xảy ra sai phạm trong quản lý tài sản công, điển hình là Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (LHTTQG), TP. Hà Nội. Là một trong những đơn vị đi đầu của Bộ VH,TT&DL trong việc thực hiện tự chủ, Khu LHTTQG đã được giao quản lý hơn 170 ha đất công và có cơ chế mở để tạo nguồn thu cho đơn vị. Sau hơn 5 năm tự chủ, từ chỗ là đơn vị thụ hưởng 100% NSNN, đến nay, Khu LHTTQG đã không còn lệ thuộc nguồn ngân sách cấp. Song, mặt trái của tự chủ là đơn vị đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình liên kết, hợp tác kinh doanh và cho thuê đất công.

Ngày 23/3/2018, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản yêu cầu Khu LHTTQG rà soát lại các hợp đồng liên doanh, liên kết để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 151; dừng khai thác cho thuê toàn bộ phần diện tích chưa triển khai các dự án theo quy hoạch. Khu LHTTQG phải chấm dứt các hợp đồng cho thuê, khai thác ngắn hạn hiện có và thu hồi lại mặt bằng, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 30/4.

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm nêu trên cũng diễn ra phổ biến tại nhiều ĐVSNCL thuộc Bộ VH,TT&DL và đã được báo chí phản ánh vừa qua, như: Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội…

Các sai phạm trong việc quản lý tài sản công tại các ĐVSNCL nói chung và Khu LHTTQG nói riêng cũng từng được KTNN chỉ ra. Cụ thể, theo Báo cáo kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản nhà nước năm 2015 của Bộ VH,TT&DL, trong hoạt động hợp tác kinh doanh từ năm 2011 đến 2015, Khu LHTTQG chưa kê khai nộp tiền thuê đất vào NSNN theo quy định. Đơn vị chưa thực hiện công khai mức thuê và đấu giá cho thuê theo quy định tại Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính về Quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ; việc quản lý đất công còn lỏng lẻo trong hoạt động liên doanh, liên kết, cho thuê… Điều đáng nói là những sai phạm này đã không được các đơn vị nghiêm túc chấn chỉnh.

Công khai thông tin về tài sản công để ngăn chặn thất thoát

Trên thực tế, chủ trương cho thuê lại một phần trụ sở do không sử dụng hết hoặc liên doanh, liên kết cùng khai thác tài sản nhà nước của một số ĐVSNCL là phù hợp với quy định về quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, cách làm của các đơn vị đang bộc lộ nhiều thiếu sót, vi phạm như: không lập đề án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; cho thuê không đúng mục đích; không thực hiện khấu hao tài sản cố định và các nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí cũng như các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước... và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến giá trị tài sản nhà nước, thậm chí gây thất thoát tài sản nếu không được chấn chỉnh kịp thời. Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM - cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị chưa nghiêm.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất, để quản lý và giám sát tài sản công hiệu quả thì việc công khai các nội dung như: tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, giá trị tài sản… là rất quan trọng. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng nhiều lần đề nghị, việc công khai các thông tin về tài sản công cần cụ thể, chi tiết, chứ không phải báo cáo chung chung. "Chỉ có như vậy thì mới tránh được việc sử dụng lãng phí cũng như nguy cơ thất thoát tài sản công” - ông Doanh nói.

Thể hiện tinh thần quyết liệt trong chấn chỉnh công tác quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu các ĐVSNCL thuộc Bộ phải nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này. Đối với những trường hợp do lịch sử để lại, ông Thiện yêu cầu: “Những nội dung nào không hợp lý thì phải thu hồi. Không thể có suy nghĩ “xưa bày nay làm” ". Theo đó, sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, Bộ đã chủ động yêu cầu các ĐVSNCL thuộc Bộ rà soát lại công tác quản lý tài sản công của mỗi đơn vị, từ đó có biện pháp chấn chỉnh triệt để theo quy định của pháp luật.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 07-6-2018
Cùng chuyên mục
  • Tạo đột phá trong tự chủ đại học từ việc sửa Luật
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhấn mạnh tính cấp thiết sửa Luật Giáo dục đại học (GDĐH) hiện hành tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng, những bất cập trong quy định về tự chủ đang trở thành rào cản đối với sự phát triển của GDĐH. Do đó, một trong những trọng tâm sửa Luật lần này là mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học.
  • Tư tưởng lớn trong những lời giản dị
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ luôn là niềm cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ sống và noi theo. Tuy nhiên, chúng ta không nên thần thánh hóa sự vĩ đại mà vô cùng giản dị của Người. Có thế thì những tư tưởng và tấm gương ngời sáng đó mới dễ thấm đượm và mới có thể thôi thúc mỗi người noi theo Bác.
  • Tập huấn nghiệp vụ công đoàn năm 2018
    5 năm trước Xã hội
    Trong 3 ngày từ 03-05/6, tại Hải Phòng, Khối thi đua II Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Công đoàn cho các cán bộ làm công tác công đoàn trong Khối.
  • Cảnh giác với hệ lụy từ tăng trưởng “nóng” của ngành du lịch
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2017, Việt Nam vươn lên là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Ðây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở để “ngành công nghiệp không khói” nước nhà cất cánh. Song chính điều đó cũng đang đặt ra nhiều thách thức, vì sự tăng trưởng quá “nóng” đòi hỏi phải có định hướng, giải pháp mang tính chiến lược để kịp thời điều chỉnh.
  • Chấn chỉnh tình trạng trì trệ, yếu kém trong đầu tư công
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Y tế bị đánh giá là 3 Bộ có tiến độ giải ngân “chậm nhất toàn quốc”. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự hạn chế năng lực trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của Bộ từng được KTNN chỉ ra.
Nguy cơ thất thoát trong khai thác, sử dụng tài sản công