Giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc để tiết kiệm chi phí

(BKTO) - Với mục tiêu đảm bảo nguồn thuốc chất lượng tốt phục vụ khám, chữa bệnh với chi phí hợp lý, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc, đồng thời tăng cường sản xuất thuốc trong nước nhằm tiết kiệm chi phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí của người dân.




Cần có lộ trình giảm việc sử dụng thuốc biệt dược gốc để tiết kiệm tiền cho Quỹ BHYT và người dân. Ảnh tư liệu

Tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc cao, chi phí lớn

Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cũng như các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua 5 năm thực hiện lộ trình đấu thầu thuốc tập trung, giá thuốc của Việt Nam do BHYT thanh toán đã giảm trên 35%, đạt mức thấp trong ASEAN. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam dưới 2% so với mức trung bình 7% ở ASEAN. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước từng bước tăng dần qua các năm và chiếm tỷ lệ cao hơn thuốc nhập khẩu.

Tuy nhiên, tại cuộc họp về chính sách, thanh toán từ BHYT đối với thuốc biệt dược gốc diễn ra mới đây, báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, trong các năm 2018, 2019, Quỹ BHYT thanh toán cho tiền thuốc tân dược khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó, riêng thuốc biệt dược gốc là 11.500 tỷ đồng, chiếm 26,5%. Đây vẫn là con số khá cao so với các nước trên thế giới. Trong đó, một số địa phương có thanh toán BHYT cho biệt dược gốc chiếm tỷ lệ cao (như: TP. HCM chiếm 44,5%, Hà Nội 38,9%) do có nhiều bệnh viện tuyến cuối; chi thuốc biệt dược gốc tập trung vào các bệnh như: ung thư, tim mạch, tiêu hóa… Theo so sánh, nếu thay thế những loại thuốc biệt dược gốc bằng thuốc generic (thuốc gốc) nhóm 1, Hà Nội có thể tiết kiệm được 279 tỷ đồng và TP. HCM tiết kiệm được 523 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quang Thuấn cho biết, hiện nay, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc trong điều trị ung thư tại Việt Nam khoảng 38%, còn ở một số nước phát triển như Anh, Pháp, Đức là 20%. Giá thuốc biệt dược gốc điều trị ung thư cao trung bình gấp 7 - 8 lần so với thuốc generic nhóm 1. So với số lượng, giá trúng thầu năm 2019, riêng 6 loại thuốc điều trị ung thư sử dụng biệt dược gốc nếu được thay thế bằng thuốc generic nhóm 1 có thể tiết kiệm được khoảng 366 tỷ đồng. Tương tự, có 3 loại kháng sinh biệt dược gốc nếu thay thế bằng thuốc generic nhóm 1 cũng có thể tiết kiệm trên 1.000 tỷ đồng.

Tăng cường sản xuất thuốc tại Việt Nam

Hiện thị trường thuốc của Việt Nam có quy mô khoảng 5 tỷ USD, có 22.000 loại thuốc, số thuốc biệt dược gốc là 755 loại, trong đó có khoảng 150 biệt dược gốc đã hết bản quyền bảo hộ và đã có các thuốc generic tương đương do các nước có công nghệ dược phát triển nhất sản xuất được lưu hành ở Việt Nam. Thống kê cho thấy, các loại thuốc biệt dược gốc (cả trong thời gian bản quyền và hết bản quyền) đắt hơn thuốc generic từ 3 - 20 lần, trung bình là gấp 7 - 8 lần. Do giá thuốc biệt dược gốc cao gấp nhiều lần thuốc generic nên phần lớn các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm vẫn muốn duy trì cung cấp, lưu hành dù nhiều loại đã hết bản quyền, đã có thuốc generic tương đương. Trong khi đó, các công ty này không đưa ra các nghiên cứu chứng minh thuốc biệt dược gốc có tác dụng điều trị tốt hơn hẳn thuốc generic tương đương, cũng không có nhiều nghiên cứu khẳng định thuốc generic tương đương có tác dụng điều trị tốt bằng hoặc hơn thuốc biệt dược gốc.

Tại cuộc họp, các ý kiến nhấn mạnh quan điểm, cần đảm bảo nguồn thuốc tốt nhưng không để tình trạng chi phí quá mức cần thiết cho thuốc phát minh (biệt dược gốc), nhất là những loại đã hết thời gian bảo hộ bản quyền và có nhiều loại thuốc tương đương do các nước phát triển nhất sản xuất và lưu hành. Do đó, cần có lộ trình giảm việc sử dụng thuốc biệt dược gốc để tiết kiệm tiền cho Quỹ BHYT và người dân. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam sớm hoàn thiện đề án hợp tác giữa Việt Nam và các DN dược phẩm của châu Âu, Hoa Kỳ để tăng cường sản xuất thuốc tại Việt Nam, nhất là rút ngắn quá trình để sản xuất thuốc biệt dược gốc. Cùng với đó, cần thay đổi thói quen của bác sĩ cũng như tâm lý của người dân trong kê đơn, sử dụng thuốc.

Trước đó, qua kiểm toán chuyên đề Việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, KTNN cũng chỉ rõ, việc bội chi Quỹ BHYT có nguyên nhân khách quan do mức đóng BHYT không thay đổi trong khi chi phí BHYT tăng do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tính thêm tiền lương, phụ cấp, quy định thông tuyến và nợ đóng BHYT… Còn nguyên nhân chủ quan là do trong việc quản lý, xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về BHYT của Bộ Y tế chưa đầy đủ và phù hợp, chưa chú trọng mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, nhiều đơn vị chưa ưu tiên thay thế thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền… Từ thực tế kiểm toán, KTNN đã kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy định về đấu thầu thuốc theo hướng mở rộng phạm vi, danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia. Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc độc quyền, cần nghiên cứu thực hiện đàm phán giá nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và tiết kiệm thời gian so với việc tổ chức đấu thầu.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
  • Tín hiệu tích cực trong công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Chỉ trong 02 ngày triển khai Lễ ra quân hưởng ứng Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam với chủ đề “Cả nước chung tay thực hiện bảo hiểm xã hội, BHYT toàn dân” (từ ngày 11-12/7), nhiều tỉnh, thành phố đã vận động, thu hút được hàng nghìn người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
  • Số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tăng mạnh
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- 30.269 người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, 58.803 người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình là số liệu vừa được BHXH Việt Nam công bố sau 2 ngày triển khai “Lễ ra quân hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam - Tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” (từ ngày 11-12/7/2020).
  • Bảo hiểm xã hội vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Sáu tháng đầu năm nay, BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra.
  • Chú trọng công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm những tháng cuối năm
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhằm tiếp tục phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và phát triển bền vững BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã vạch ra kế hoạch nhằm tập trung thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm 6 tháng cuối năm 2020.
  • Để áo dài Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việt Nam đang trong quá trình tích cực chuẩn bị xem xét, công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại theo tiêu chí của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để trang phục này được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại vẫn còn nhiều thách thức.
Giảm sử dụng thuốc biệt dược gốc để tiết kiệm chi phí