Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Sớm đánh giá việc thực thi chính sách để có định hướng phù hợp

(BKTO) - Sắp đến hạn chót để DN nộp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (ngày 30/7), thế nhưng, đến ngày 28/7, cơ quan thuế mới tiếp nhận 171.555 Giấy đề nghị gia hạn với số tiền 53.400 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 29% so với gói hỗ trợ khoảng 180.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần sớm đánh giá việc thực thi chính sách này để có định hướng hỗ trợ phù hợp trong thời gian tới.




Chính phủ cần sớm đánh giá việc thực thi chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.Ảnh: TTXVN

Số tiền được đề nghị gia hạn còn thấp

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính - cho biết: Theo hệ thống quản lý thuế tại thời điểm cuối năm 2019, có khoảng 98% số DN đang hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (Nghị định 41), tương đương khoảng 737.314 DN với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất dự kiến được gia hạn khoảng 174.000 tỷ đồng và khoảng 24% số hộ, cá nhân kinh doanh đang hoạt động, tương đương khoảng 347.840 hộ với số thuế được gia hạn khoảng 6.000 tỷ đồng. Còn theo số liệu rà soát của các cục thuế, số DN thuộc danh mục lĩnh vực, ngành nghề được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất có phát sinh hoạt động kinh doanh năm 2019 và 2020 là 431.827 DN, bằng 58,5% tổng số người nộp thuế (NNT) có đăng ký kinh doanh thuộc các nhóm ngành, nhóm DN được gia hạn theo Nghị định 41. Tương tự, số hộ cá nhân có hoạt động kinh doanh là 106.469, bằng 30,6% so với số NNT có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng được gia hạn với tổng số thuế dự kiến được gia hạn là hơn 76.232 tỷ đồng, bằng khoảng 42,4% so với tổng số thuế dự kiến được gia hạn khi xây dựng Nghị định 41.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 41, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất tới toàn thể NNT; đồng thời nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn nộp Giấy đề nghị gia hạn theo nhiều phương thức, tạo điều kiện để NNT có thể nộp mọi lúc, mọi nơi.

Tuy nhiên, đến ngày 28/7, cơ quan thuế mới tiếp nhận 171.555 Giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Trong đó, có 119.119 Giấy đề nghị gia hạn của DN, 52.436 Giấy đề nghị của cá nhân kinh doanh. Số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là hơn 53.400 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 29% so với gói hỗ trợ khoảng 180.000 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, nguyên nhân khiến số Giấy đề nghị gia hạn cũng như số tiền gia hạn đến giữa tháng 7 vẫn còn thấp là do dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến số phát sinh phải nộp thuế của DN giảm sâu so với cùng kỳ, nhiều DN không phát sinh thuế, số hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán quyết toán vào cuối năm nên đợi đến cuối thời hạn quy định (30/7/2020), NNT mới làm thủ tục gia hạn.

Cụ thể, qua rà soát, tổng hợp tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) tháng 3/2020 và quý I/2020 cho thấy, trong tổng số 754.409 NNT đã nộp tờ khai thuế GTGT vào ngày 20/4/2020 (bao gồm cả chi nhánh), chỉ có khoảng 23,3% NNT có phát sinh thuế GTGT phải nộp, tương đương khoảng 175.943 NNT. Tháng 4/2020, có 21.088 tờ khai thuế GTGT, chiếm 29,62% tổng số tờ khai đã nộp, giảm 1.911 tờ khai so với tháng trước. Số tờ khai có thuế GTGT tháng 5 là 22.429 tờ khai, tỷ lệ số NNT phát sinh thuế GTGT trong tháng 5/2020 khoảng 31,44% tổng số tờ khai đã nộp.

Đánh giá việc thực thi chính sách, tiếp tục giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất

Ông Hoàng Quang Hàm - đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ - từng nêu vấn đề: Chính sách miễn, giảm, giãn thuế chỉ phù hợp cho DN còn hoạt động, có doanh thu, có lãi nhưng không bao quát hết các DN khó khăn. Do vậy, cần có thêm chính sách đối với DN ngừng hoạt động do thiếu vốn, đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra. Dự báo, khó khăn còn kéo dài, để bảo đảm dòng tiền cho DN vượt qua giai đoạn này, ngoài chính sách tiền tệ, cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả năm 2021. Việc giãn thuế giúp khắc phục khó khăn tạm thời và không làm giảm thu ngân sách nên thường hiệu quả hơn miễn thuế.

Đến nay, dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trên thế giới và bắt đầu trở lại Đà Nẵng, số thu ngân sách của ngành thuế các tháng 4, 5, 6 đều giảm cho thấy tình trạng khó khăn của DN vẫn chưa được cải thiện. Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến nghị: Việt Nam nên đánh giá quá trình thực thi Nghị định 41 để xem gói hỗ trợ này đạt mục tiêu như thế nào, có bao nhiêu % DN có lãi để hưởng chính sách này; DN thua lỗ hoặc dừng hoạt động nhưng không được hưởng chính sách này chiếm bao %... từ đó phân loại, lựa chọn đúng đối tượng cần hỗ trợ, đồng thời tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho DN.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - cho rằng, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị định 41 để hỗ trợ DN nhưng DN chỉ được giãn nộp thuế trong 5 tháng, đến nay, gói hỗ trợ này mới chỉ thực thi được hơn 29% do DN không có lãi để nộp thuế. Hiện nay, nhiều DN còn khó khăn hơn thời điểm xây dựng Nghị định. Chính vì vậy, gói tài khóa này cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bằng cách tiếp tục cho phép DN được giãn, hoãn nộp tiền thuế và tiền thuê đất ít nhất đến hết năm 2020.

Ông Lực cũng cho rằng, đối tượng được hỗ trợ cần mở rộng, trước đây, chính sách tập trung vào DN nhỏ, siêu nhỏ nhưng đến nay, kể cả DN lớn ở một số lĩnh vực thiết yếu, đóng góp lớn cho GDP như ngành hàng không cũng cần hỗ trợ, đồng thời hỗ trợ cả DN hàng không tư nhân, mức độ hỗ trợ tùy thuộc thị phần của từng DN…

PGS,TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR - đồng tình với quan điểm hỗ trợ cả DN lớn và DN tư nhân. Tuy nhiên, ông Thế Anh nhấn mạnh: Nhà nước cần xác định rõ ngành nào cần hỗ trợ và nên hỗ trợ các loại chi phí cho DN. Các biện pháp miễn giảm thuế không công bằng với DN dừng hoạt động hoặc không có lợi nhuận.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Sớm đánh giá việc thực thi chính sách để có định hướng phù hợp