Đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của trường nghề

(BKTO) - Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đẩy mạnh tự chủ, hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đặc biệt là cơ chế quản lý tài chính trong lĩnh vực này cần có sự đổi mới để đảm bảo tính chủ động, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các trường nghề cũng như chất lượng đào tạo nghề.



Tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dụcnghề nghiệp

Tại Hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động GDNN” được tổ chức mới đây, Tổng cục GDNN cho biết, cả nước hiện nay có khoảng 1.900 cơ sở GDNN, trong đó phần lớn là các trung tâm dạy nghề (chiếm 52%, tương đương với 996 cơ sở) thuộc chính quyền cấp huyện quản lý.

PGS,TS. Đặng Văn Du (Học viện Tài chính) cho rằng, cơ cấu các cơ sở giáo dục như trên phản ánh mức độ phân cấp quản lý cơ sở GDNN ở Việt Nam đang rất rộng và sâu, thể hiện quan điểm phát huy quyền chủ động của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển GDNN. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ GDNN của các cơ sở GDNN do các cấp chính quyền quản lý rất khác nhau. Xu hướng chung là các cơ sở GDNN do các cấp chính quyền cấp dưới quản lý thường có chất lượng kém hơn. Thực trạng này dẫn đến sự lãng phí nguồn lực kéo dài của không ít cơ sở GDNN ở địa phương, điển hình như cấp huyện, nhưng địa phương lại không muốn buông bỏ quản lý các cơ sở này.

Do đó, theo PGS,TS. Đặng Văn Du, đã đến lúc không nên phân cấp cho địa phương quản lý lĩnh vực GDNN. Bởi thị trường tuyển dụng lao động đã qua học nghề trong điều kiện hiện nay không chỉ bó hẹp ở từng địa phương mà cần có sự điều tiết chung, thống nhất của một cơ quan T.Ư. Hơn nữa, nguồn lực đầu tư cho GDNN tại các địa phương khác nhau cũng bị phân tán, kém hiệu quả.

Nhiều đại biểu cho rằng, từ năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trực tiếp là Tổng cục GDNN được giao thống nhất quản lý nhà nước về GDNN đã giúp cho công tác định hướng quản lý về mặt chuyên môn cũng như hoạt động của các cơ sở GDNN được cải thiện rất nhiều. Các nguồn lực đầu tư cho GDNN cũng được tập trung, đảm bảo hiệu quả cao hơn. Trong đó, GDNN ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới hải đảo và vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được ưu tiên đầu tư. Định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề theo tiêu chí dân số cho vùng miền núi - đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu cao hơn 1,56 lần so với vùng đô thị; đối với vùng cao - hải đảo cao hơn 2,22 lần so với vùng đô thị...

Bởi vậy, đối với các cơ sở GDNN do địa phương quản lý, hoạt động kém hiệu quả, giải pháp khả thi nhất là Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH rà soát, xây dựng phương án tái sử dụng và tiếp tục đầu tư nâng cấp thành các cơ sở GDNN cấp vùng. Ở mỗi vùng có thể hình thành thêm 1 - 2 điểm trường của cơ sở chính, tùy theo độ lớn về diện tích, quy mô dân số và nhu cầu của thị trường lao động.

Cần có cơ chế rõ ràng thúc đẩy tự chủ tài chínhcủa trường nghề

Thực hiện quyền và nghĩa vụ tự chủ tài chính, thời gian qua, một số trường nghề đã chủ động khai thác nguồn thu sự nghiệp, tăng cường các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo với DN…; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp. Tuy nhiên, dù Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính nhưng nhiều trường hiện nay vẫn còn lúng túng trong thực thi.

Theo ThS. Trần Thế Lữ (Đại học Công đoàn), thực tế cho thấy, có nhiều yếu tố tác động, kìm hãm hoạt động tự chủ của các trường, nổi cộm là sức ỳ, thói quen quản lý theo lối cũ và hệ thống rào cản từ các quy định, quy chế chưa theo kịp thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chưa được giao quyền tự chủ đồng bộ về xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Do đó, để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDNN, đặc biệt là nâng cao khả năng đảm bảo tài chính cho các cơ sở, Nhà nước cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các trường nghề thực hiện tự chủ. Đồng thời, cần tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý sở hữu công của các cơ quan chủ quản, đặc biệt là tại các địa phương.

Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDNN. Theo lộ trình tính giá dịch vụ GDNN sử dụng NSNN trong Dự thảo Nghị định, dự kiến đến năm 2020, giá dịch vụ tính đủ chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; đến năm 2021, giá dịch vụ tính đủ chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Để đảm bảo lộ trình tính giá dịch vụ được triển khai kịp thời, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần sớm trình Chính phủ ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và khung giá dịch vụ dạy nghề theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí và có tích lũy, bảo đảm công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá. Trong khi chờ cơ chế thúc đẩy tự chủ các trường nghề và khung giá dịch vụ dạy nghề, các địa phương cần tiếp tục ưu tiên phân bổ chi ngân sách cho GDNN, đảm bảo nguồn lực đầu tư cho GDNN được ổn định, phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của trường nghề