Báo động tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam

(BKTO) - Vấn nạn ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố lớn trong cả nước đang ngày càng trở nên trầm trọng, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM. Theo kết quả quan trắc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cả 2 thành phố này đã vượt ngưỡng cảnh báo về ô nhiễm không khí. Đáng lo ngại hơn, Hà Nội đang có nhiều khả năng đạt ngưỡng của các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.



Vượt ngưỡng cảnh báo của WHO

WHO khuyến cáo, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động. Tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới; thậm chí có khả năng đạt ngưỡng của các thành phố ô nhiễm nhất thế giới như: Delhi (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Ulaanbaatar (Mông Cổ).

Khuyến cáo của WHO dựa vào số liệu từ trạm quan trắc môi trường tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Kết quả phân tích cho thấy, trong quý I/2017, tại Hà Nội có 37 ngày nồng độ bụi siêu mịn (PM2.5, loại bụi trôi nổi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet nên dễ xâm nhập vào túi phổi) cao hơn so với mức 50 µg/m3 (quy chuẩn quốc gia Việt Nam). Còn nếu so với mức 25 µg/m3 theo khuyến cáo của WHO thì số ngày không khí Hà Nội vượt chuẩn đến 78/90 ngày. Đặc biệt, có ngày trong giai đoạn này nồng độ PM2.5 vượt chuẩn của WHO đến 10 lần.

Không chỉ Hà Nội, tại TP. HCM trong quý I/2017, có 6 ngày vượt quy chuẩn quốc gia, tương ứng 78 ngày vượt chuẩn của WHO; mức AQI (chỉ số chất lượng không khí) trung bình quý tăng từ 91,2 lên 100,8; tương ứng nồng độ bụi PM2.5 trung bình tăng từ 30,72 lên 35,8 µg/m3. Còn trong quý III/2017, có 1 ngày vượt quy chuẩn quốc gia và 39 ngày vượt chuẩn WHO. Nếu phân tích dữ liệu theo giờ, 87 giờ có nồng độ PM2.5 vượt quá quy chuẩn Việt Nam và 810 giờ đối với chuẩn WHO.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hoạt động giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị hiện nay. Thống kê cho thấy, phương tiện cơ giới tăng cao theo từng năm. Cụ thể, tại Hà Nội, xe con tăng bình quân 17,23%/ năm, xe gắn máy tăng bình quân 11,02%/năm. Tại TP. HCM, xe con tăng bình quân 14,88%/năm, xe gắn máy tăng bình quân 9,79%/năm. Đi đôi với số lượng xe lớn là mật độ phương tiện ở mức quá cao. Ô tô cá nhân tập trung cao ở đô thị lớn, chiếm dụng mặt đường và mức độ khí thải cao gấp từ 5 - 10 lần so với xe máy. Bên cạnh đó, số lượng xe máy cũ, xe kém chất lượng, không được bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ, đúng quy cách chiếm khá lớn.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo phân tích của các chuyên gia môi trường, hiện nay các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng xăng và dầu diesel làm nhiên liệu để tạo ra sự chuyển động, quá trình đốt cháy nhiên liệu này đã dẫn tới phát sinh nhiều chất ô nhiễm không khí khác nhau. Bên cạnh đó, quá trình này còn kéo theo sự hình thành bụi do đất cát bị cuốn bay lên từ mặt đường phố trong quá trình di chuyển.

Vì vậy, để kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị, cần kiểm soát nguồn thải từ ô tô, xe máy; hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện giao thông công cộng, tăng cường ý thức của người tham gia giao thông. Đồng thời tập trung kiểm soát, kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt các nguồn thải ô nhiễm bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng; và gấp rút hạn chế tốc độ gia tăng dân số cơ học, ban hành các cơ chế về bảo vệ môi trường.

Mặt khác, cần khẩn trương tăng diện tích mặt nước và cây xanh. Bởi theo các kết quả nghiên cứu, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc.

Ngoài ra, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ tích cực triển khai các dự án quan trắc tự động (nước thải, khí thải) tại các khu vực trọng yếu nhằm phục vụ cho công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các nhà quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực. Số liệu quan trắc không khí sẽ được cập nhật 24/24 giờ. Các dự án, cơ sở có phát sinh chất thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động và truyền dẫn các số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát.

THU HUYỀN
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 30-11-2017
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao năng suất lao động:  Cần giải pháp đột phá, dài hơi
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năng suất lao động (NSLĐ) thấp đang thực sự trở thành rào cản của Việt Nam trong quá trình cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế. Thị trường lao động trong nước đang có xu hướng già hóa… Những thách thức này tiếp tục được chỉ ra trong Báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện và công bố mới đây.
  • Khơi thông điểm nghẽn để phát triển bền vững thị trường bất động sản
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như nhà quản lý, thị trường bất động sản (BĐS) đã vượt qua khủng hoảng và đang bước vào chu kỳ phát triển mạnh ổn định cả về giá cả, khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn những điểm nghẽn cần được khơi thông để có thể phát triển bền vững.
  • Đề án đào tạo tiến sĩ nghìn tỷ:  Cần thiết nhưng phải thận trọng!
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đề xuất chi tới hơn chục nghìn tỷ đồng dành cho công tác đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia. Đặt trong bối cảnh các đề án trước đó không đạt được mục tiêu đề ra, những cảnh báo về tính khả thi của Đề án cần được Bộ GD&ĐT lưu ý.
  • Ấm tình Điện Biên
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tờ mờ sáng một ngày đầu tháng 9, gần 40 thành viên trong đoàn thiện nguyện chúng tôi đã chuyển những món đồ cuối cùng lên xe và bắt đầu chuyến hành trình lên Điện Biên mang niềm vui đến với trẻ em miền sơn cước…
  • Doanh nghiệp kiểm toán trước yêu cầu hội nhập
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam Hoàng Đức Hùng cho rằng, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với các công ty kiểm toán.
Báo động tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam