Báo động tình trạng lao động di cư bất hợp pháp

(BKTO) - Mong muốn có một công việc với thu nhập tốt ở nước ngoài, nhiều lao động Việt thiếu hiểu biết đã chấp nhận đánh đổi tính mạng để tham gia vào các đường dây nhập cư “chui”, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường.



Dang dở những giấc mơđổi đời

Vụ việc phát hiện 39 thi thể trong chiếc container ở hạt Essex (Anh) trong đó nghi ngờ là những người Việt Nam đang làm dấy lên lo ngại về tình trạng lao động di cư bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài. Liên quan đến việc xác định danh tính, nhân thân của các nạn nhân, cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực vào cuộc và hỗ trợ gia đình nạn nhân, đảm bảo tối đa quyền lợi của các đối tượng.

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), số lượng người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng đều hằng năm. Năm 2017 là 134.751 người; năm 2018 là 143.000 người và 10 tháng năm 2019 là 120.000 người. Chủ trương đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài ngày càng thể hiện tính đúng đắn, thiết thực trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam dồi dào, khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước còn hạn chế, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao, chất lượng việc làm và thu nhập của NLĐ còn thấp.

Mục đích đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là nhằm tạo và giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề và kỹ năng cho một bộ phận NLĐ. Trong thực tế, rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đổi đời sau khi về nước. Cùng với việc trang trải tốt hơn cho cuộc sống vốn khó khăn, nhiều lao động đã sử dụng hợp lý nguồn vốn kiếm được cũng như ứng dụng kinh nghiệm có được trong quá trình lao động để tự phát triển hướng sản xuất của riêng mình.

Tuy nhiên, nhiều lao động cũng phải đánh đổi sức khỏe, tính mạng khi tham gia xuất khẩu lao động, đặc biệt là đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức “chui”, không được pháp luật bảo hộ đầy đủ. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực trợ giúp lao động, hành trình để đến với “miền đất hứa” thường phải trải qua nhiều chông gai. Đơn cử như để đến được Anh, lao động di cư trái phép phải vượt qua nhiều cửa ải, trong điều kiện hành trình vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Chia sẻ lý do khiến nhiều lao động di cư bất hợp pháp, một chuyên gia cho biết thêm, ở Anh, lao động dễ dàng tìm công việc lương cao, ít khi bị cảnh sát kiểm tra và dễ dàng tìm kiếm con đường ở lại hơn so với các nước châu Âu khác. Do đó, đây vẫn là “miền đất hứa” đối với lao động di cư trái phép, thiếu trình độ, hiểu biết pháp luật về lĩnh vực này.

Người lao động vẫn khó tiếp cận thông tin pháp lý

Trước những thực trạng đáng báo động về tình hình lao động di cư trái phép như vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo: Để đảm bảo việc đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn, hợp pháp, NLĐ cần tìm hiểu các thông tin về: thị trường lao động ngoài nước, các quy định pháp luật liên quan đến việc đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đến đúng các DN, tổ chức có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Cơ quan này cũng khuyến cáo đối với đối tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân cần ký trực tiếp hợp đồng với chủ sử dụng lao động, đồng thời đề nghị cung cấp các giấy tờ hợp pháp liên quan đến việc làm thủ tục nhập cảnh đến nước làm việc và đăng ký đi làm việc ở nước ngoài với cơ quan quản lý lao động tại địa phương để được hỗ trợ, xác minh, cũng như bảo đảm các quyền lợi, nghĩa vụ trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận, đó là công tác tuyên truyền pháp luật về xuất khẩu lao động chưa đến được với nhiều người ở các khu vực có nguy cơ cao. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn phải đối mặt với những rủi ro và thách thức như: chi phí cao, bị lừa đảo trong quá trình tuyển dụng, phải chịu một số hình thức vi phạm quyền lao động và tiếp cận rất hạn chế với cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả. Nguyên nhân là do thông tin tin cậy về cách thức di cư hợp pháp và giảm rủi ro trong khi di cư thường chưa đến được với NLĐ Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo trợ xã hội cho rằng, điều cốt lõi để cải thiện tình trạng lao động di cư bất hợp pháp, đó là cải thiện đời sống, tạo cơ hội phát triển và giảm bất bình đẳng xã hội ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi Chính phủ cũng như bản thân mỗi NLĐ phải nỗ lực không ngừng. Trước mắt, cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho NLĐ trước và sau đi xuất khẩu để họ có nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về công tác này. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động, tạo cơ chế phòng ngửa rủi ro tối đa cho NLĐ.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 07-11-2019
Cùng chuyên mục
Báo động tình trạng lao động di cư bất hợp pháp