Xác định 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm tại Hà Nội

(BKTO) - Ngày 1/10, tại cuộc Giao ban Báo chí thường kỳ của Thành uỷ Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã thông tin về thực trạng ô nhiễm không khí của Thành phố. Qua xác định ban đầu, cơ quan chức năng thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, đồng thời khuyến cáo người già, trẻ em hạn chế ra đường và dự kiến sau ngày 3/10 tình trạng sẽ được cải thiện.



Hà Nội trong nhiều ngày qua đã liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới trên tổng số 10.000 thành phố được quan trắc của ứng dụng AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới). TP. HCM cũng đứng trong top 10 này.
                
   

Theo dữ liệu từ IQAir AirVisual- Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới, trong buổi sáng 1/10, Hà Nội là thành phố có chỉ số ô nhiễm cao nhất với chỉ số AQI là 320- Ảnh: Internet

   
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ngày 1/10 đã lý giải tình trạng chất lượng không khí Hà Nội và TP. HCM trong tháng 9/2019, với nhận định rằng đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đang là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.

Ông Vũ Đăng Định- Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội và một số khu vực miền Bắc, tình trạng ô nhiễm bụi tăng cao, tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và các điểm chuyển mùa.

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường, từ ngày 13/9, chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều thời điểm trong ngày kém, nhất là ô nhiễm bụi mịn 2.5, ảnh hưởng sức khoẻ con người, đặc biệt nhóm nhạy cảm, bao gồm trẻ em, người già, người có bệnh lý về đường hô hấp. Ông Định khuyến cáo, nếu như ra ngoài, người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn.

         
Ô nhiễm không khí tại Việt Nam thời gian gần đây chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5- loại bụi được coi là sát thủ trong không khí. Bụi PM¬ 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người (1 Mm có kích thước bằng một phần triệu mét). Với kích thước cực nhỏ này, khi hít vào, chúng sẽ thẩm thấu thẳng vào mạch máu và đi đến các cơ quan nội tạng quan trọng.Tiếp xúc trực tiếp với PM2.5 có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp, tim mạch và thần kinh nghiêm trọng.
Theo người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội, có 10 trạm quan trắc tự động do Pháp tài trợ và 1 trạm của Đại Sứ quán Mỹ. Đó là những đơn vị phát đi thông tin chính thức về tình trạng không khí trên địa bàn thành phố, ngoài ra còn có rất nhiều thiết bị, ứng dụng trên điện thoại. Tuy nhiên, người dân nên tham khảo, đối chiếu với những quan trắc chính thức để có thông tin chính xác.

Xác định bước đầu, cơ quan chức năng của thành phố đã thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí, gồm: Khí xả thải ô tô, xe máy; Tình trạng đun bếp than tổ ong, bếp củi; Thực trạng phá dỡ các công trình xây dựng và xây dựng các công trình không đúng quy trình; Vận chuyển vật liệu xây dựng; Mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; Mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; Đốt rơm rạ, rác; Thu gom rác thải chưa tốt; Ô nhiễm ao hồ lâu năm; Bùn thải chưa được xử lý; Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; Tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.
                
   

Ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức báo động- Ảnh: haiquanonline.com.vn

   
Ông Vũ Đăng Định chia sẻ: "Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí như: Xây dựng và lắp đặt mạng lưới quan trắc chính thức, kiểm soát ô nhiễm; Giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải ô nhiễm môi trường; Thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang hoàn toàn bằng xe quét nhập từ Châu Âu, hút bụi; Xử lý ô nhiễm ao hồ ngoại; Xây dựng kế hoạch vận động đến 31/12/2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong; Triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện; Xử lý bùn tải, xử lý rác thải rắn; Nhập công nghệ phá dỡ, nghiền rác thải bê tông, che chắn công trình xây dựng; Xây dựng quy hoạch các trạm xăng có trạm rửa xe tự động; Giám sát xe chở xây dựng; Trồng cây xanh; triển khai chiến dịch "cánh đồng không đốt rơm rạ"...
                
   

Hoạt động đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí- Ảnh: tapchitaichinh.vn

   
Trả lời câu hỏi về việc đưa ra cảnh báo, khuyến cáo nào cho người dân, ông Mai Trọng Thái- Chi cục trưởng Chi Cục Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết Hà Nội đã đưa ra công bố và khuyến cáo người dân không nên ra ngoài, đeo khẩu trang, học sinh không nên ra ngoại khoá ngoài trời... Hiện thành phố có 3 trạm quan trắc không khí cố định đạt quy chuẩn, ngoài ra còn có các trạm cảm biến khác để đưa ra khuyến cáo. Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ có 32 trạm quan trắc chất lượng không khí, trong đó có 20 trạm quan trắc cố định, 12 trạm quan trắc cảm biến. Từ đó đưa ra những cảnh báo về chất lượng không khí.

Phân tích một số nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, ông Mai Trọng Thái cho biết, theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố hiện còn 35.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày sử dụng 528 tấn than, gây phát thải 1870 tấn khí CO2. Ngoài ra, việc người dân đốt rơm rạ, các công trình đang xây dựng hay phá dỡ cũng ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, lượng phát thải từ các phương tiện giao thông cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Theo thống kê, tính đến quý I/2019, trên địa bàn Hà Nội có trên 700 nghìn ô tô, trên 5 triệu xe cá nhân. Lượng phát thải từ số lượng lớn các phương tiện này đang gây ô nhiễm không khí thủ đô.

Theo ông Thái, dự kiến đến ngày 3/10, thời tiết sẽ có mưa, từ đó chất lượng không khí sẽ được cải thiện.
         
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí gây nên 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, để tự bảo vệ mình, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần lưu ý lựa chọn loại khẩu trang có khả năng ngăn bụi mịn, tránh hoạt động mạnh ở ngoài trời, thay đổi thói quen sinh hoạt như chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng hay hạn chế dùng bếp than, sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng cũng như áp dụng các biện pháp để giảm thiểu phát thải vào môi trường không khí.
THÙY CHI (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2019
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 (SV-Startup 2019) sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày 4-5/10, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của tất cả học sinh, sinh viên, trên toàn quốc.
  • Cơ sở khám chữa bệnh phải công khai, minh bạch danh mục và giá dịch vụ y tế
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là một trong những nội dung tại Công văn số 3328/BHXH-GĐB của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế, về tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).
  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Đóng góp to lớn cho thành công của ASSA
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) 36 vừa được tổ chức thành công, thu được nhiều kết quả tốt đẹp tại Brunei. Tại Hội nghị, các tổ chức thành viên đã rà soát việc thực hiện Kế hoạch hành động ASSA, cùng trao đổi, đánh giá những kết quả hoạt động đạt được trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt, các tổ chức thành viên đánh giá cao vai trò của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam trên cương vị Chủ tịch và Tổng thư ký ASSA nhiệm kỳ 2018-2019.
  • Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt vượt chỉ tiêu Quốc hội giao
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tính đến hết năm 2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg là 3,3%; vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội giao- đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT.
  • Nợ đóng BHXH của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang diễn biến phức tạp
    4 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Tình trạng nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), đang có những diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.
Xác định 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm tại Hà Nội