Ứng phó với thách thức, cơ quan BHXH cấp huyện nỗ lực thực hiện mục tiêu

(BKTO) - Bên cạnh những cơ quan BHXH cấp huyện làm tốt công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, trở thành những tấm gương điển hình, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố và cả nước thì vẫn có những cơ quan gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển số lượng người tham gia BHXH tự nguyện.



                
   

Nhiều cơ quan BHXH cấp huyện thuận lợi nhưng cũng có những cơ quan gặp khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Thách thức trong phát triển đối tượng tham gia

Trong những tháng đầu năm 2021, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tính đến hết tháng 5, trên địa bàn toàn huyện mới phát triển được trên 400 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện lên trên 2.500 người.

Như vậy, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đến tháng 5/2021 trên toàn huyện tăng hơn 1.500 người so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, so với mục tiêu đến hết năm 2021 trên toàn huyện Văn Yên có 3.300 người trở lên tham gia BHXH tự nguyện thì việc thực hiện mục tiêu đề ra còn khá gian nan.

Tình trạng này cũng được ông Nguyễn Đức Thịnh - Giám đốc BHXH huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) chia sẻ, năm 2021, BHXH huyện Tân Uyên được BHXH Việt Nam giao chỉ tiêu phát triển mới 672 người tham gia BHXH tự nguyện.

Con số này gây áp lực không nhỏ đến việc hoàn thành chỉ tiêu mà đơn vị được giao, bởi ngoài những khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì tiềm năng khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở địa phương không còn nhiều, do một số xã chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người nghèo có thu nhập thấp, không ổn định dẫn đến việc phát triển và duy trì đối tượng không dễ dàng.

Đáng quan ngại hơn, từ một huyện miền núi ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, ông Đinh Hữu Nam - Giám đốc BHXH huyện Minh Hóa cho biết, lũy kế đến hết tháng 5/2021, trên địa bàn huyện Minh Hóa có 1.384 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2021, toàn huyện chỉ phát triển mới được 155 người tham gia BHXH tự nguyện, nhưng lại có tới 144 người đã dừng đóng. Vì vậy, sau khi tính bù trừ thì toàn huyện Minh Hóa chỉ phát triển được 11 người tham gia BHXH tự nguyện trong 5 tháng đầu năm.

Nguyên nhân được ông Đinh Hữu Nam chỉ ra là do thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều lao động trên địa bàn không có việc làm, không có thu nhập nên dừng tham gia. Cùng với đó, có một số lao động chuyển đi làm ăn ở miền Nam nên họ cũng chuyển qua đóng BHXH bắt buộc ở các doanh nghiệp.

Theo chia sẻ của một số lãnh đạo cơ quan BHXH cấp huyện, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, thu nhập của người dân, mà việc giãn cách xã hội còn khiến cho hoạt động triển khai, tổ chức tuyên truyền cho người dân bị hạn chế do không được tụ tập đông người, giữ khoảng cách theo quy định phòng dịch.

Đi sâu, đi sát trong tuyên truyền, vận động là giải pháp

Thực tế cũng cho thấy, mặc dù công tác tuyên truyền luôn được các cơ quan BHXH cấp huyện chú trọng, nhưng nhiều người dân vẫn chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện, chưa có thói quen tham gia BHXH tự nguyện khi còn trẻ để về già được hưởng lương hưu.
                
   

Tuyên truyền vận động, thực hiện thu phí tại hộ gia đình là giải pháp được nhiều cơ quan BHXH cấp huyện tăng cường triển khai trong giai đoạn hiện nay. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Thêm vào đó, trình độ dân trí của người dân còn thấp, nhiều người cũng chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHXH tự nguyện, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa BHXH tự nguyện và các loại hình bảo hiểm thương mại khác, cộng với việc thu nhập không ổn định nên rất khó khăn cho công tác vận động, khai thác đối tượng tham gia.

Để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra cho năm 2021, nhiều cơ quan BHXH cấp huyện đã đẩy mạnh phát triển các đại lý thu BHXH và Bưu điện có mặt ở nhiều xã, thị trấn, trở thành những cánh tay nối dài đưa các chủ trương, chính sách về BHXH tự nguyện đến gần hơn với người dân, để người dân được tiếp cận một cách đầy đủ, chính xác nhất những thông tin liên quan.

Bởi các đại lý thu BHXH và Bưu điện được đánh giá là đội ngũ nắm rõ nhất tình hình địa phương, xác định rõ các khách hàng tiềm năng ở từng thôn, xóm, khu vực. Theo đó, các cơ quan BHXH tích cực phối hợp với đội ngũ đại lý thu BHXH và Bưu điện trực tiếp đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động.

Cũng trong thời gian này, nhiều cơ quan BHXH cấp huyện còn phối hợp với các Đài Truyền thanh - Truyền hình địa phương tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh ở các xã, thị trấn về những chính sách BHXH. Khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, các cơ quan sẽ mở lại các hội nghị tuyên truyền trực tiếp và các hình thức tuyên truyền khác để người dân hiểu về lợi ích việc tham gia đóng BHXH tự nguyện.

Từ những nhận thức đúng đắn của người dân mới có thể mang tới những chuyển biến cơ bản trong hành động. Các cơ quan BHXH tuyến huyện đang gặp khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện kỳ vọng, với những hoạt động tuyên truyền cụ thể hơn, gần gũi hơn và thiết thực hơn, nhiều người dân sẽ hiểu rõ và tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy, những mục tiêu đề ra trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương sẽ hoàn thành.
ĐỨC ANH

Cùng chuyên mục
Ứng phó với thách thức, cơ quan BHXH cấp huyện nỗ lực thực hiện mục tiêu