Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ sử dụng dịch vụ công trực tuyến về bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Sau một năm vận hành, nhiều dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia đã được người dân đón nhận; trong đó, thủ tục nộp BHXH là một trong những nhóm thủ tục trọng tâm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN.



                
   

Việc thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT trên Cổng DVC mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và DN - Ảnh: Bảo Trân

   

Ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) cho biết, mỗi năm ngành BHXH Việt Nam có khoảng 50 triệu lượt hồ sơ liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được DN gửi lên Cổng DVC của BHXH, nên việc kết nối, liên thông trên Cổng DVC Quốc gia đem lại lợi ích rất lớn cho DN.

BHXH Việt Nam đã dùng Cổng DVC Quốc gia để triển khai nhiều DVC như: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN; giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe...

Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Cổng DVC Quốc gia chính là thực hiện một kết nối với nhiều tiện ích. Chỉ với một tài khoản đăng nhập trên Cổng DVC Quốc gia, DN có thể thực hiện rất nhiều DVC của BHXH Việt Nam cũng như các Bộ, ngành, địa phương; tra cứu thông tin về thủ tục hành chính (TTHC) và các thông tin liên quan khác. Đồng thời, gửi phản ánh kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC của các Bộ, ngành, địa phương. Nhờ Cổng DVC Quốc gia, ngành BHXH đã nâng cao chất lượng dịch vụ đối với DN và thông qua những phản ánh, kiến nghị trên Cổng DVC Quốc gia, BHXH Việt Nam đã có những chỉ đạo kịp thời để địa phương thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, triển khai Cổng DVC Quốc gia trước hết đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân, DN, tránh tình trạng người dân thực hiện TTHC nhiều lần, nộp hồ sơ nhiều nơi; cũng như giảm chi phí thời gian và công sức cho người dân, DN... Chính những áp lực này lại trở thành động lực thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, hạn chế để quyết tâm khai trương, vận hành chính thức Cổng DVC Quốc gia cũng như các hệ thống DVC Bộ, ngành.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn chứng, DVC “Đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp” phục vụ 780.096 đơn vị tham gia đóng BHXH cho hơn 14,4 triệu lao động và 12,7 triệu BHYT của người lao động hàng tháng. Dịch vụ này trước đây đều làm bằng hình thức thủ công, phải chuẩn bị chứng từ và đến ngân hàng hoặc cơ quan BHXH để đóng. Tuy nhiên, khi cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 01 ngày công mỗi tháng cho việc thực hiện thủ tục này, tương đương khoảng hơn 1.329 tỷ đồng/năm.

Theo lộ trình, BHXH Việt Nam sẽ tiến tới cung cấp tất cả các DVC hiện có lên Cổng DVC Quốc gia, triển khai kết nối liên thông bảo đảm tất cả các DN đều có thể sử dụng DVC ngành BHXH Việt Nam trên Cổng DVC Quốc gia; đồng thời triển khai các DVC liên quan có sử dụng thanh toán điện tử trên Cổng DVC Quốc gia.

THU NGUYỆT
Cùng chuyên mục
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ sử dụng dịch vụ công trực tuyến về bảo hiểm xã hội