Thực hiện Nghị quyết 28: Công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều chuyển biến tích cực

(BKTO) - Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW (Nghị quyết 28) Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2018-2021, việc triển khai chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên, góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân.



                
   

BHXH Cao Bằng tổ chức Lễ ra quân tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện - Ảnh BHXH Cao Bằng

   

Số người tham gia BHXH tự nguyên tăng qua các năm

Tại tỉnh Cao Bằng, thực hiện mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân theo chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 28, công tác BHXH được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xác định là nhiệm vụ chính trị của địa phương, đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

Đến nay, chỉ tính riêng công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đạt được kết quả tốt. Theo đó, thời điểm trước khi Nghị quyết 28 được ban hành, tại tỉnh Cao Bằng, bình quân mỗi năm tăng mới khoảng từ 150 - 200 người tham gia, đến tháng 5/2018 (khi Nghị quyết mới ban hành) chỉ có khoảng 1.300 người tham gia, đến hết tháng 9/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện của tỉnh Cao Bằng là 16.800 người, tăng 15.500 người, tương ứng gần 1.200%, chiếm 5,9% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt mục tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đến năm 2021.

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 28, việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH trên địa bàn tỉnh đã chuyển biến rõ nét. Đáng chú ý, nhiều người dân đã nâng cao nhận thức trong việc tham gia BHXH tự nguyện. Nếu như năm 2018 cả tỉnh chỉ có 6.985 người tham gia, thì đến tháng 9/2021 đã tăng lên 37.400 người (chiếm 5,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa mục tiêu chung đề ra tại Nghị quyết 28). “Sau kỳ tích vượt 102% kế hoạch năm 2020, trong năm 2021, BHXH tỉnh được giao phát triển thêm 9.720 người. Tuy nhiên, trong 9 tháng năm 2021, chúng tôi đã phát triển được hơn 9.140 người, đạt 94% kế hoạch. Đây là nỗ lực của tập thể BHXH tỉnh cũng như sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động người dân”- Đại diện BHXH tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

BHXH các địa phương cho rằng, để đưa chính sách BHXH tới mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan BHXH cần phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, nhất là công tác tuyên truyền phát triển người tham gia. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động hội viên, người dân tham gia BHXH tự nguyện; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu chính sách BHXH, BHYT trên internet. Cùng với đó, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tiểu phẩm truyền hình trên các phương tiện thông tin, truyền thông; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở…

Cần sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của một số địa phương, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thu nhập của nhiều người dân, người lao động khu vực phi chính thức giảm. Bên cạnh đó, người lao động thuộc khu vực phi chính thức chưa hình thành thói quen tham gia BHXH, trong khi công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả thiết thực, đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn viên còn hạn chế về nghiệp vụ, thiếu kỹ năng tiếp cận đối tượng, chưa làm cho người lao động thực sự yên tâm khi tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài ra, hiện nay người tham gia BHXH bắt buộc được chi trả với 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, nhưng người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được chi trả 2 chế độ là hưu trí và tử tuất; điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu còn dài. Đây cũng là một trong những rào cản khiến người lao động chưa mặn mà với BHXH tự nguyện...

Để dẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, nhiều ý kiến cho rằng, các Bộ, ngành, cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; trong đó, tập trung tuyên truyền thường xuyên, liên tục sự cần thiết, vị trí, vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH đến toàn thể nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặt khác, ngành BHXH cần tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân tham gia, nhất là sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với đối tượng người nông dân, người lao động thuộc khu vực phi chính thức không thuộc hộ nghèo, cận nghèo để từ đó tăng mức độ hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.
BẢO TRÂN
Cùng chuyên mục
Thực hiện Nghị quyết 28: Công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều chuyển biến tích cực