Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Khép lại năm 2020, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.




Ứng dụng VssID đã được đông đảo người dân đón nhận và đánh giá cao. Ảnh minh họa

Hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công mức độ 4

Năm 2020, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, để đảm bảo giải quyết kịp thời quyền lợi chính sách cho người dân, DN, ngành BHXH đã nhanh chóng chuyển đổi, thích ứng với trạng thái làm việc mới thông qua việc: tăng cường xử lý các hồ sơ trực tuyến hỗ trợ người dân, DN; đẩy mạnh việc tích hợp thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia; đẩy mạnh giao dịch điện tử…

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai các DVC trực tuyến. Ngày 15/12/2020, BHXH Việt Nam đã ban hành Văn bản triển khai bổ sung 9 DVC trực tuyến mức độ 4 dành cho tổ chức và cá nhân trên Cổng DVC của ngành. Theo đó, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp các DVC mức độ 4 cho tất cả thủ tục hành chính của ngành. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, DN, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, được người dân, DN ghi nhận và ủng hộ. “Người dân chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng internet là có thể thực hiện các DVC của ngành BHXH Việt Nam ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại của người dân, DN trong các giao dịch với cơ quan BHXH” - đại diện BHXH Việt Nam cho biết.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã chủ động tích hợp, cung cấp 15 DVC mức độ 4 của ngành, DVC liên thông với các Bộ, ngành trên Cổng DVC Quốc gia. Các DVC cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) do hỏng, mất; đóng tiếp BHXH tự nguyện, gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình, thanh toán trực tuyến nộp tiền đóng BHXH tự nguyện… là những DVC mức độ 4 được nhiều người thực hiện nhất. Dự kiến trong quý I/2021, ngành sẽ hoàn thành việc cung cấp, liên thông 100% DVC mức độ 4 của ngành trên Cổng DVC Quốc gia.

Việc hoàn thành cung cấp các DVC mức độ 4 là một trong những thành tích nổi bật, thể hiện sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam trong công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT hướng tới xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn với những lợi ích thiết thực, thân thiện.

Tích hợp, cung cấp dịch vụ trên thiết bị di động

Cũng với tinh thần quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện số hóa trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành, một điểm nhấn trong năm 2020 của ngành BHXH là vào giữa tháng 11, BHXH Việt Nam đã chính thức công bố đưa vào sử dụng “Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động”. Đây chính là bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng quốc gia số, xã hội số của Chính phủ.

Ứng dụng VssID cung cấp các tiện ích, thông tin thiết yếu như: thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, thẻ BHYT, dịch vụ hỗ trợ 24/7, Tổng đài hỗ trợ khách hàng 1900.9068... Theo định hướng, VssID sẽ thay thế thẻ giấy BHYT - đã bộc lộ nhiều điểm bất tiện trong quá trình sử dụng như: dễ hư hỏng, mã code dễ bị mờ... Ngay trong đợt bão lũ xảy ra liên tiếp tại miền Trung - Tây Nguyên, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai thí điểm để người có thẻ BHYT tại các tỉnh này có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh BHYT.

Đến nay, đã có gần 300.000 lượt cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Ứng dụng đã được đông đảo người lao động đón nhận và đánh giá cao; coi như một người bạn đồng hành thân thiết trong suốt quá trình tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT. Theo các chuyên gia, việc đưa các tiện ích, thông tin đóng - hưởng BHXH, BHYT tiến tới tích hợp, cung cấp các DVC, dịch vụ thanh toán trực tuyến lên ứng dụng trên thiết bị di động chính là bước đi phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, quốc gia số hiện nay. Ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) - đánh giá, định hướng phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số đã xác định phải cung cấp dịch vụ cho người dân mọi lúc, mọi nơi và thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó, hướng tới kênh chính yếu của người dân là qua điện thoại thông minh (smartphone), để người dân có thể tiếp cận được với DVC trực tuyến. Đây chính là ý nghĩa lớn nhất mà VssID mang lại.

Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai tích hợp các DVC, tiện ích thanh toán trực tuyến trên ứng dụng VssID… để người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH ở bất cứ đâu và bất kỳ lúc nào, đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “Ứng dụng này có lợi cho người dân, mà việc gì có lợi cho người dân thì nên làm, từ việc nhỏ nhất...”.
         
Tính đến ngày 23/12/2020, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hơn 9.000 giao dịch trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia, trong đó: Tiếp nhận và giải quyết cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất cho 2.616 trường hợp; 5.859 giao dịch thanh toán trực tuyến thành công (thanh toán gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình cho 4.022 trường hợp; đóng tiếp BHXH tự nguyện cho 1.706 trường hợp; đóng BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp là 131 trường hợp); tiếp nhận, xử lý 916 hồ sơ đề nghị hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19.
Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
  • Quản lý rủi ro ngân hàng thương mại:  Cần phát huy vai trò của  kiểm toán nội bộ
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hiện nay, kiểm toán nội bộ (KTNB) đã trở thành một bộ phận bắt buộc tại ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bộ phận này vẫn gặp phải một số khó khăn trong quản lý rủi ro, nhất là khi công nghệ đang chi phối hoạt động của tất cả các NHTM.
  • Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu top 3 tại SEA Games 31
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong năm 2021 sắp tới, thể thao Việt Nam hướng tới thành công ở hai sự kiện lớn, rất quan trọng là Olympic Tokyo và SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà.
  • Hợp tác với doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Hợp tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với DN là khâu đột phá để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao. Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết hoạt động gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững năm 2020, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm 2021 diễn ra chiều 29/12, tại Hà Nội.
  • Điều chỉnh cơ cấu chi để tạo động lực cho giáo dục đại học phát triển
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trong điều kiện nguồn lực NSNN hạn chế, việc giao quyền tự chủ về tài chính giúp tăng tính chủ động, trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học công lập (gọi chung là GDĐH), tạo điều kiện để các trường được chủ động cân đối thu chi là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị còn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là cơ cấu chi như hiện nay chưa tạo động lực cho các trường bứt phá.
  • Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Ngày 24/12, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 tại điểm cầu chính BHXH Việt Nam và 63 điểm cầu tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 646 điểm cầu tại BHXH các quận, huyện.
Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội