Thành phố Hồ Chí Minh: Khó khăn trong xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và giảm tỷ lệ nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thời gian qua, BHXH TP.HCM đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó có việc chuyển hồ sơ các DN nợ BHXH sang cơ quan công an để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để thực hiện công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.



BHXH TP.HCM cho biết, hiện nay tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH trên địa bàn Thành phố có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn Quỹ BHXH. Tính đến ngày 31/10/2020, số nợ BHXH, BHYT, BHTN mà các DN trên địa bàn còn nợ là 4.327 tỷ đồng (trong đó 1.153 tỷ đồng nợ dưới 01 tháng, 2.274 tỷ đồng nợ trên 03 tháng). Hơn nữa, trong số 2.274 tỷ đồng nợ trên 03 tháng có 523 tỷ đồng là nợ khó đòi (do các DN đã giải thể, mất tích, chủ DN bỏ trốn...).

Cụ thể, BHXH Thành phố đã thống kê được 325 DN nợ đóng BHXH trên 1 tỷ đồng. Trong số đó có những DN nợ với số tiền lớn như: Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn nợ 32 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn Yujin Vina nợ 23 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Việt Nam nợ 16 tỷ đồng; Công ty cổ phần thương mại Dịch vụ Thiếu Nhi Mới nợ gần 17,5 tỷ đồng...

Cơ quan BHXH cũng đã có các phương án thu hồi nợ đối với các DN nợ đóng BHXH. Cụ thể, đối với DN nợ 03 tháng, cơ quan BHXH gửi thư mời lên làm việc, lập biên bản yêu cầu DN trích nộp BHXH theo đúng thời hạn quy định. Các đơn vị nợ 06 tháng với mức nợ lớn từ 300 triệu đồng trở lên, cơ quan BHXH đều đăng tải thông tin trên website của BHXH Thành Phố theo định kỳ; đồng thời tổ chức thanh tra chuyên ngành nhằm ngăn chặn tình trạng trốn đóng, nợ hoặc cố tình chậm đóng. Đặc biệt, đối với các đơn vị chây ỳ, BHXH Thành phố sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị khởi tố về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo điều 216 Bộ luật Hình sự.

Từ năm 2018, BHXH TP.HCM là đơn vị tiên phong trong các hoạt động phối hợp, đề xuất xử lý và truy tố các DN trốn đóng BHXH với công an, viện kiểm sát, tòa án theo Ðiều 216 Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, việc thực thi rất chậm, chưa có DN nào bị truy tố, xét xử. BHXH TP.HCM cho rằng, phía cơ quan BHXH Thành phố đã rất quyết liệt, vận dụng quy định của luật pháp trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Ðã có tổng cộng 76 hồ sơ DN vi phạm pháp luật BHXH được cơ quan BHXH chuyển cho cơ quan công an tại 21 quận, huyện. Phía công an cũng làm việc trực tiếp với cơ quan BHXH và đã rà soát, củng cố được 70% số hồ sơ do BHXH Thành phố chuyển qua, nhưng quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn.

Theo đại diện BHXH TP.HCM, do đây là quy định mới nên một số quy định vẫn còn khó thống nhất trong cách hiểu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, quy trình tố tụng hình sự đối với tội phạm về lĩnh vực BHXH, BHYT được pháp luật quy định khá rõ ràng. Ðầu tiên, cơ quan Công an sẽ thu thập hồ sơ, tiến hành điều tra, khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can nếu có vi phạm. Sau đó Viện kiểm sát sẽ phê chuẩn, truy tố, Tòa án có nghĩa vụ xét xử. Như vậy, trong vụ án hình sự khâu đầu tiên phải là cơ quan Công an tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố. Ðối với việc vì sao cơ quan Công an không khởi tố đối tượng vi phạm thì người cung cấp tin báo, người kiến nghị khởi tố hoặc báo chí cũng có thể phỏng vấn, trao đổi với công an quận, huyện làm rõ vấn đề đặt ra vì Luật Tố tụng hình sự đã có quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục, thời gian, phản hồi...

Các chuyên gia nhấn mạnh, BHXH và những chế độ đi kèm là quyền lợi rất thiết thực đối với người lao động. Do đó, việc thực thi các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm sự nghiêm minh, nhất là công tác truy tố, xét xử cần sớm được thực hiện.
BẢO TRÂN
Cùng chuyên mục
Thành phố Hồ Chí Minh: Khó khăn trong xử lý hình sự các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội