Tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế để giảm chi từ tiền túi người bệnh

(BKTO)- Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 10, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).



                
   

Quỹ BHYT hiện nay mới chỉ đảm bảo chi trả những loại thuốc thông thường

   

Từ 1/7/2021 sẽ cải cách lương, bảo hiểm xã hội cho người có công

Trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ hết sức đồng cảm về mặt tình cảm và hết sức quyết tâm.

Theo Phó Thủ tướng, hiện chúng ta có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993 và còn 400.000 người nghỉ hưu ở những thời điểm khác nhau nhưng lương rất thấp, dưới 3 triệu đồng/tháng, trong đó có những trường hợp như công nhân cao su chỉ 1 triệu đồng/tháng. “Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tính toán phương án làm sao để có khoản bù thêm, theo quy định là do NSNN đảm bảo chứ không phải do bảo hiểm xã hội (BHXH) và đã tính ra trong 400.000 đối tượng với mức bù khoảng 500.000 đồng/người/tháng thì mất khoảng 2.400 tỷ đồng/năm, tuy nhiên, việc này phải tính trong đồng bộ” – Phó Thủ tướng cho biết.

Sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến nguồn thu cho nên các cơ quan có thẩm quyền cấp trên đã quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương đi kèm với nó là BHXH, chính sách người có công và kể cả áp dụng tiêu chuẩn nghèo mới đa chiều thay vì đầu năm 2021 sang 1/7/2021. Riêng đối với những người nghỉ hưu trước năm 1993, thu nhập thấp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo với Thủ tướng và sẽ bàn vấn đề này.

Khắc phục tình trạng người có bảo hiểm y tế vẫn phải mua thuốc ngoài

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về vấn đề nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn phải mua thuốc ở ngoài, Phó Thủ tướng Vũ Đam cho biết, đúng là có rất nhiều ý kiến phản ánh các bệnh nhân chữa bệnh bằng BHYT nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua theo đơn của bác sĩ điều trị.

Theo Phó Thủ tướng, để khắc phục triệt để tình trạng này cần phải nhìn nhận đúng nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, nhiều ý kiến, kể cả các bác sĩ, nói rằng chính sách thanh toán của BHYT không phù hợp. Điều đó đúng sự thực nhưng có căn nguyên. Hiện nay, mệnh giá một người đóng BHYT trung bình có tăng lên nhưng mới đạt 1,1 triệu đồng/người/năm, so với các nước trong khu vực như Philippines chúng ta chỉ bằng 1/3, so với Thái Lan chỉ bằng 1/4. Trong khi về giá thuốc, chúng ta sản xuất được nhiều thuốc nhưng hơn 90% nguyên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài nên giá thuốc theo mặt bằng quốc tế.

Chúng ta đã cố gắng giảm giá thuốc rẻ hơn các nước trong ASEAN nhưng cũng chỉ rẻ hơn 10-15%, vì vậy, BHYT không thể thanh toán tất cả các loại thuốc, mà thường xu thế chỉ thanh toán những loại thuốc tạm gọi là thông thường, còn những loại thuốc đắt tiền, thuốc phát minh (thường gọi là biệt dược gốc), nhiều loại người bệnh phải bỏ tiền túi. Hiện nay, hàng năm chúng ta chỉ phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc thì BHYT thanh toán khoảng 36-37%.

“Để khắc phục vấn đề này, chúng ta phải duy trì, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, hiện là 90,7% và phải tăng mệnh giá thẻ BHYT. Muốn vậy, thu nhập người dân phải tăng lên, phần NSNN hỗ trợ cũng phải có nguồn thu nhiều hơn. Đây là một quá trình dài hơi, liên tục, chúng ta phải tiếp tục cố gắng”- Phó Thủ tướng nêu rõ.

Nguyên nhân thứ hai được Phó Thủ tướng chỉ ra là rất nhiều bệnh nhân phản ánh và đánh giá rằng do có tiêu cực, sự móc nối giữa bác sĩ điều trị và các trình dược viên, các công ty thuốc, nhà thuốc, kê đơn ra để ăn hoa hồng. Việc này trong nhiều năm ngành y tế đã chỉ đạo rất quyết liệt và có thể nói rằng có hiện tượng đó nhưng không phải là tất cả. "Để khắc phục nguyên nhân này chỉ có một cách là công khai, minh bạch hết bằng công nghệ thông tin. Chúng ta có đến hơn 20.000 loại thuốc và dịch vụ, hành triệu lượt khám, chữa bệnh một năm thì không thể nào kiểm soát được nếu không tin học hóa. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, những năm vừa rồi đã làm rất tốt" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Trong thời gian được phân công trực tiếp điều hành Bộ Y tế, cùng với việc chỉ đạo chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã tập trung quyết liệt thực hiện tin học hóa để đẩy nhanh hơn tiến độ rất nhiều lần. Một số việc đã hoàn thành như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, nền tảng khám chữa bệnh từ xa, từng bước công bố tất cả những thông tin liên quan đến quản lý ngành y tế… "Tới đây Bộ Y tế sẽ kết nối toàn bộ hệ thống quản lý của các cơ sở y tế, nhà thuốc, làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử thì mới kiểm soát tốt. Chúng ta cũng phải đẩy mạnh liên thông xét nghiệm để giảm lãng phí", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Bài và ảnh: N. KIM
Cùng chuyên mục
  • Cần mẫn đưa chính sách an sinh xã hội đến với mọi tầng lớp nhân dân
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Để đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) đến với người dân, các cán bộ, viên chức của ngành BHXH đã không quản khó khăn, vất vả, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, gặp gỡ từng người dân để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Một buổi theo chân những cán bộ của BHXH tỉnh Phú Thọ đi tuyên truyền đã cho chúng tôi hiểu hơn sự nỗ lực và ý nghĩa của những công việc họ đang cần mẫn mỗi ngày.
  • Bạc Liêu: Tuyên truyền là giải pháp căn cơ để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), ngay sau khi Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH được ban hành, tỉnh Bạc Liêu đã và đang có nhiều giải pháp, cách làm linh hoạt để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết, trong đó công tác tuyên truyền được tỉnh đặc biệt chú trọng.
  • Ngành Bảo hiểm xã hội chung tay “Không để ai bị bỏ lại phía sau”
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, do Thủ tướng Chính phủ phát động, giai đoạn 2016-2020, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã luôn quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn Ngành, góp phần đưa chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) lan tỏa và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong bảo đảm an sinh cho người dân.
  • Tự chủ đại học vẫn còn nhiều khó khăn
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Mặc dù tự chủ ở bậc đại học là xu thế tiên tiến và tất yếu nhưng tại Việt Nam, quá trình này vẫn diễn ra khá chậm và nhiều chông gai. Có nhiều nguyên nhân khiến quá trình tự chủ ở các trường đại học hầu hết vẫn chỉ là thí điểm, dù Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mới ban hành đã quy định khá rõ về nội dung này.
  • Tăng cường khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến cơ sở
    3 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Phạm Thu Hằng (Hòa Bình) nhấn mạnh vai trò nền tảng mạng lưới y tế cơ sở trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời đề nghị Chính phủ, ngành Y tế tăng cường đầu tư ngân sách cho y tế, tăng cường khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại trạm y tế xã.
Tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế để giảm chi từ tiền túi người bệnh