Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế

(BKTO) - Đoàn công tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Tại buổi làm việc, hai cơ quan đã nhất trí đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt, hai bên đã khởi động hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực dược.



                
   

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: ST
   

   
Tại buổi làm việc, trên cơ sở kết quả hợp tác giữa BHXH Việt Nam và WHO trong thời gian qua, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế kiêm phụ trách Ban Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc đã đề xuất các nội dung hợp tác giữa BHXH Việt Nam và WHO trong tương lai. Theo đó, việc hợp tác tập trung vào hỗ trợ triển khai nghiên cứu đánh giá thực hiện Luật BHYT từ năm 2015 đến nay; trong đó có tiến hành xây dựng đề cương đánh giá, thu thập và phân tích số liệu thứ cấp, khảo sát tại địa phương, cung cấp kinh nghiệm quốc tế và thực hiện chính sách BHYT. Qua đó đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật BHYT và các các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Luật BHYT.

BHXH Việt Nam cũng mong muốn WHO hỗ trợ kỹ thuật trong đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh gồm: thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRGs); hỗ trợ chuyên gia đào tạo kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệp quốc tế trong thực hiện DRGs, hỗ trợ xây dựng các quy tắc giám định phục vụ giám định điện tử, nâng cao năng lực quản lý chi phí và sử dụng hợp lý thuốc và vật tư y tế; đàm phán giá thuốc và vật tư y tế; cung cấp kinh nghiệm quốc tế về đàm phán giá thuốc; cung cấp dữ liệu về giá thuốc thực hiện đàm phán tại các quốc gia; kinh nghiệm đấu thầu thuốc tại các quốc gia trên thế giới và định hướng cho Việt Nam…

Ghi nhận những đề xuất hỗ trợ của BHXH Việt Nam, ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng BHXH Việt Nam thực hiện các nghiên cứu khảo sát thực tế, đánh giá triển khai Luật BHYT, tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng CNTT cũng như thay đổi các phương thức thanh toán BHYT.
WHO sẽ xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, cử chuyên gia hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ của BHXH Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Trước mắt có thể thông qua các hình thức hội thảo trực tuyến trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa kiểm soát tốt tình trạng dịch Covid-19…

Tại buổi làm việc, BHXH Việt Nam và WHO cũng đã tổ chức khởi động hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực dược: “Gắn mã ATC (mã số đặt cho từng loại thuốc theo tên chung quốc tế) và xác định liều DDD (liều trung bình duy trì hằng ngày với chỉ định chính) đối với thuốc kháng khuẩn được quỹ BHYT chi trả”.

Phát biểu khởi động hoạt động Dự án, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, chi phí thuốc luôn chiếm tỷ trọng cao và là một trong những mối quan tâm lớn của cơ quan BHXH. Trong đó, việc sử dụng và chi trả thuốc kháng sinh luôn là một thách thức trong quản lý. Bên cạnh việc sử dụng và chi trả hợp lý, an toàn và hiệu quả, BHXH Việt Nam còn đồng hành với Bộ Y tế trong các chương trình kiểm soát chống kháng thuốc, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHYT. Do vậy, cần có các công cụ, chỉ số giúp cảnh báo, khuyến nghị chính sách để đảm bảo mục tiêu trên.

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, để hoạt động hiệu quả, BHXH Việt Nam đã thành lập nhóm nghiên cứu với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực dược của BHXH Việt Nam và sự phối hợp của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ BHYT, Trường Đại học Dược Hà Nội.

Đánh giá cao việc phối hợp giữa hai bên, ông Kidong Park cho rằng, hoạt động gắn mã ATC đối với thuốc kháng khuẩn được Quỹ BHYT chi trả là cần thiết. Điều đó sẽ góp phần giúp BHXH Việt Nam đưa ra các quyết sách hiệu quả trong thanh toán BHYT. Việc khởi động hoạt động này sẽ góp những bước đầu tiên trong việc sử dụng thuốc kháng sinh nói riêng, tiến tới sử dụng thuốc một cách hợp lý và hiệu quả trong điều trị nói chung…

THANH XUYÊN
Cùng chuyên mục
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế