Tăng cường giải pháp để giữ chân người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội

(BKTO) - Trước tình trạng số lao động báo giảm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng, số người nhận BHXH một lần tăng, nhất là khi trải qua khó khăn do dịch bệnh mang lại như vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan BHXH các địa phương cần tăng cường các giải pháp để giữ chân người lao động (NLĐ) tham gia chính sách, một mặt để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng trụ cột an sinh xã hội, mặt khác đảm bảo lợi ích lâu dài cho chính người lao động.



Tham gia bảo hiểm xã hội mang lại lợi ích lâu dài

Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều DN, cơ sở kinh doanh trên địa bàn toàn quốc phải ngưng sản xuất hay sản xuất cầm chừng, cắt giảm nhân công hoặc tạm thời cho công nhân nghỉ việc luân phiên. Ðiều này làm cho NLĐ bị mất việc làm, không có nguồn thu nhập, đời sống sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều khó khăn. Mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống nên NLĐ đã đề nghị thanh toán trợ cấp BHXH một lần, mặc dù Nhà nước có nhiều gói hỗ trợ thiết thực, không để người dân, NLĐ nào “bị bỏ lại phía sau”.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Đặc biệt, riêng trong ba tháng đầu năm 2021, số NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 người, tăng hơn 20,5% so cùng kỳ năm 2020.

Theo BHXH tỉnh Yên Bái, số người lĩnh BHXH một lần tăng nhanh 2 năm trở lại đây. Năm 2019 toàn tỉnh có 5.752 người lĩnh chế độ 1 lần, hết năm 2020 có 7.031 người, tăng 1.279 người so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh đã có 3.215 người xin hưởng BHXH chế độ 1 lần. Điều này còn được lí giải là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến NLĐ muốn có thêm khoản tiền để xoay sở cuộc sống.

Ông Phạm Quốc Tuấn – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "Tình trạng NLĐ xin nhận trợ cấp BHXH một lần còn có thể tăng rất lớn. Việc NLĐ lựa chọn lĩnh 1 lần BHXH sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho NLĐ, vì lợi ích trước mắt mà NLĐ sẽ bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu sau này".
                
   

Việc tham gia BHXH mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ như được khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, được nhận lương hưu khi về già... Ảnh: N.LỘC

   

Theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến 15/9/2021, trên địa bàn tỉnh có 19.486 người thanh toán BHXH một lần. Nhận định của BHXH tỉnh, từ nay đến cuối năm, số lượng người thanh toán BHXH một lần sẽ tăng lên do ảnh hưởng Covid-19, nhiều lao động phải nghỉ việc, không có tích lũy, họ cần một nguồn tài chính để trang trải cuộc sống.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp bất khả kháng, không còn sức lao động, không đủ khả năng đóng BHXH tiếp, nguyện vọng hưởng BHXH 1 lần là hoàn toàn chính đáng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu đó. Tuy nhiên, việc tiếp tục tham gia bảo hiểm để nhận lương hưu, tính kế lâu dài vẫn có nhiều cái lợi hơn là “gặt lúa non”, giải quyết vấn đề tình thế trước mắt. Dù đã được cơ quan BHXH tỉnh, huyện, thị xã giải thích, tư vấn nhiều lần về những thiệt thòi khi thanh toán BHXH một lần, nhiều NLĐ vẫn quyết định thanh toán BHXH một lần để sử dụng vào mục đích khác hoặc trang trải chi tiêu cho gia đình.

Việc NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.

Tập trung tuyên truyền, giúp người lao động hiểu rõ lợi ích của chính sách

Trên cơ sở nhìn nhận thực trạng gia tăng nhận BHXH một lần và nhận diện một số nguyên nhân cơ bản hiện nay, là đơn vị tổ chức, triển khai thực hiện chính sách BHXH ở địa phương, BHXH các tỉnh đã đánh giá chi tiết về quá trình thực hiện quy định BHXH một lần cũng như những hạn chế đang tồn tại để có giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Trong đó, việc tích cực thực hiện mở rộng mạng lưới thông tin, truyền thông; tư vấn, thông qua việc đưa ra ví dụ giả định để so sánh về quyền lợi giữa nhận BHXH một lần với tích lũy để hưởng lương hưu, giúp NLĐ thấy rõ hơn lợi ích của việc tham gia BHXH.

Bà Đỗ Thị Dung - Trưởng Phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Thanh Hóa), khoản tiền NLĐ đóng vào Quỹ BHXH được ví như “của để dành” của chính mình, được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, NLĐ có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia đóng BHXH hoặc BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để giữ chân NLĐ tham gia chính sách BHXH, bà Dung, cho rằng: Công tác tư vấn cho NLĐ rất quan trọng, để họ thấy được lợi ích, vui vẻ tham gia BHXH tự nguyện để không bị gián đoạn thời gian đóng BHXH. NLĐ sẽ tham gia và quyết định ở lại với hệ thống BHXH khi thấy rõ quyền lợi của mình sau này. Bên cạnh việc điều chỉnh các quy định hiện hành, việc hoàn thiện các chính sách BHXH tự nguyện được đánh giá cần thiết để giữ NLĐ ở lại hệ thống BHXH, thực hiện an sinh xã hội.
                
   

Cơ quan BHXH sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động, nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ NLĐ. Ảnh: N.LỘC

   

Theo ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ đã đề xuất nhiều thay đổi, như giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, hay siết chặt các quy định hưởng BHXH một lần. Điều này có thể sẽ giúp ích rất lớn cho việc giữ chân NLĐ tham gia vào hệ thống an sinh.

Theo ông Điều Bá Được - nguyên Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cơ quan BHXH các địa phương cần tiếp tục đổi mới, nỗ lực giải quyết hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục, đa dạng hình thức nộp hồ sơ; tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đến NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Về lâu dài, để giữ NLĐ ở lại với hệ thống BHXH, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức NLĐ về ý nghĩa của việc ở lại hệ thống BHXH; hỗ trợ kịp thời cho NLĐ, đơn giản hóa thủ tục hưởng chính sách cho NLĐ../.

HẢI ĐĂNG
Cùng chuyên mục
Tăng cường giải pháp để giữ chân người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội