Phát triển BHXH tự nguyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn

(BKTO) - Nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho mỗi người dân, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc người dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, công tác phát triển BHXH tự nguyện vẫn là một bài toán khó.



Khó phát triển BHXH tự nguyện vì điều kiện kinh tế khó khăn

Theo Trưởng Phòng khai thác và thu nợ (BHXH tỉnh Hà Giang) Nguyễn Trí Diện, năm 2019, cơ quan này được giao chỉ tiêu tăng mới hơn 1.000 đối tượng là người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, con số này khó có thể đạt được. Bởi vì, trong vòng 10 năm (2008-2018), toàn tỉnh chỉ tăng mới hơn 1.000 lao động tham gia BHXH tự nguyện. Trên địa bàn tỉnh có 134/195 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số, đời sống của đồng bào còn rất khó khăn, công việc và thu nhập bấp bênh, do đó người dân chưa có điều kiện tham gia đóng BHXH tự nguyện.

Người lao động khi tham gia BHXH sẽ được hưởng quyền lợi trước những rủi ro trong quá trình làm việc như tai nạn, ốm đau, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn người già ở các vùng nông thôn không có lương hưu phải sống phụ thuộc vào con cái. Chính vì vậy, việc mở rộng đối tượng tham gia để nâng cao độ bao phủ của BHXH đến với người dân là hết sức cần thiết. Bản thân nhiều người dân cũngbiết lợi ích từ việc tham gia BHXH mang lại rất lớn và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH thuộc diện hộ nghèo là 30%, hộ cận nghèo là 25% và 10% là mức hỗ trợ cho các đối tượng khác, tuy nhiên, một số người dân đang tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Yên Minh (Hà Giang) vẫn lo lắng vì công việc bấp bênh không ổn định, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, khó có thể duy trì việc tham gia đóng BHXH tự nguyện.
                
   

Để thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện cần đổi mới phương pháp tuyên truyền - Ảnh:ST

   

Trao đổi với báo chí, Giám đốc BHXH huyện Yên Minh Trần Trung Kiên cho biết, khó khăn trong phát triển đối tượng lao động tham gia BHXH tự nguyện xuất phát từ điều kiện kinh tế. Yên Minh là một trong những huyện nghèo, đời sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, công việc và thu nhập không ổn định. Hơn nữa, thời gian đóng bảo hiểm kéo dài 20 năm… là nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện thấp. “Năm 2016, 2017 và 2018, toàn huyện chúng tôi được giao chỉ tiêu 56 người/năm tham gia BHXH tự nguyện, nhưng chưa năm nào chúng tôi thực hiện được, mặc dù đã có nhiều hình thức tuyên truyền” - ông Kiên nói.

Tương tự, Phượng Mao là xã miền núi của huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), chiếm hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, mặc dù chính sách hỗ trợ người lao động tham gia BHXH tự nguyện đã được triển khai thực hiện nhưng trên địa bàn xã vẫn chưa thực sự thu hút được nhiều người dân tham gia. Tính đến hết năm 2018, xã có tổng dân số 2.946 người, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 3 người, thấp nhất trong toàn huyện. Khó khăn nhất trong phát triển đối tượng lao động tham gia đóng BHXH tự nguyện xuất phát từ điều kiện kinh tế.

Đổi mới phương thức tuyên truyền

Để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, việc đầu tiên BHXH huyện Thanh Thủy triển khai là đó là đổi mới phương pháp tiếp cận người dân. Cùng với đó là thay đổi hình thức, cách thức tuyên truyền chính sách, lợi ích của BHXH tự nguyện, phối hợp với ngành Bưu điện tổ chức các hội nghị tuyên truyền về BHXH. Phó Giám đốc BHXH huyện Thanh Thủy Trần Thị Thanh Hương cho biết, để tổ chức tốt việc tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tới tận khu dân cư, đơn vị đã phối hợp với xã Phượng Mao tập hợp, vận động người dân đến tham dự.

Cơ quan BHXH cũng phải lựa chọn cán bộ có kỹ năng thuyết trình và nắm chắc chính sách BHXH tự nguyện để tuyên truyền cho người dân dễ hiểu. Các đơn vị chuẩn bị sẵn tờ khai theo mẫu để người dân điền thông tin và có cán bộ trực tiếp hướng dẫn để tránh sai sót; hoàn thiện hồ sơ, in cấp sổ BHXH cho các đối tượng khi tham gia. Nhờ những thay đổi thiết thực trong cách tuyên truyền, lượng người tham gia BHXH tại xã Phượng Mao đã tăng lên rõ rệt. Tính đến hết tháng 5/2019, toàn xã đã có 77 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 366% kế hoạch giao; góp phần nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện lên 625 người, đạt 113% kế hoạch giao.

Nhấn mạnh về công tác đổi mới cách thức tuyên truyền để BHXH tự nguyện đến với được bà con dân tộc thiểu số, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an sinh xã hội cho rằng, tuyên truyền chính sách cần phối hợp chặt chẽ với việc lồng ghép, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng dân tộc khác nhau; tuyên truyền cho người dân hiểu chính sách BHXH sẽ là “lưới đỡ” cho người già khi không còn sức lao động; phải đảm bảo tinh thần “đi tận ngõ, gõ cửa tận nhà” để chính sách BHXH tự nguyện vượt qua trở ngại khoảng cách về địa lý đến được với đồng bào.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò, uy tín, kinh nghiệm của Ủy ban dân tộc và các tổ chức Đoàn thể các cấp, cũng như vai trò của các Già làng, Trưởng bản và đại lý thu BHXH trong công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu, phổ biến, tư vấn chính sách, pháp luật về BHXH đến với từng gia đình, từng nhóm đối tượng. Mặt khác, BHXH Việt Nam cần chủ động hơn nữa phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Trung ương xem xét tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH để đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia.

BẢO TRÂN
Cùng chuyên mục
Phát triển BHXH tự nguyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn