Phát huy hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp

(BKTO) - Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động hoặc phải đóng cửa, ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều người lao động rơi vào tình trạng không có việc làm. Trước tình hình này, thời gian qua, các Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố đã tích cực hỗ trợ người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).



                
   

Đảm bảo có việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp là mục tiêu hướng tới của nhiều địa phương. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Tích cực giải quyết thủ tục cho người lao động

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hoá, từ đầu năm 2021 đến hết ngày 11/8, Trung tâm đã tiếp nhận 14.750 hồ sơ đăng ký hưởng BHTN, trong đó có 14.426 người được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tỉnh Thanh Hoá ban hành quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nguyên nhân chính khiến lao động nghỉ việc nhiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đối tượng lao động mất việc tại tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, thuộc các lĩnh vực như may mặc, giày da, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản…

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hải Phòng, tính đến ngày 15/8/2021, Trung tâm đã tiếp nhận 12.137 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền mà Sở LĐ, TB&XH TP.Hải Phòng quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp lên tới gần 235 tỷ đồng. Một tín hiệu đáng mừng, theo ông Tăng Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Hải Phòng, là số hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tính từ đầu năm đến giữa tháng 8/2021 đã giảm 17,35% so với cùng kỳ năm 2020 (đến giữa tháng 8/2020 là 14.685 hồ sơ).

Còn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam, tính đến hết tháng 7/2021, Trung tâm cũng đã tiếp nhận 2.163 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp BHTN, trong đó 1.762 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của Sở LĐ, TB&XH tỉnh Hà Nam với số tiền trên 25 tỷ đồng.
                
   

Nhiều địa phương mong muốn người lao động có việc làm ổn định - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường lao động ở Hà Nam chịu nhiều tác động. Trung tâm không chỉ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động mà còn là cầu nối uy tín giữa doanh nghiệp và người lao động trong việc giải quyết chế độ thất nghiệp kịp thời để người lao động ổn định cuộc sống.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Hải Phòng Tăng Tiến Sơn, nhấn mạnh, việc triển khai chính sách BHTN trong thời gian này đã kịp thời hỗ trợ, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động bị mất việc làm ổn định cuộc sống. Khoản hỗ trợ này còn giúp người lao động tìm kiếm việc làm để sớm quay lại thị trường lao động; hoặc hỗ trợ để người lao động học nghề, chuyển đổi ngành nghề làm cơ sở giúp người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm với thu nhập cao hơn.

Chính sách phát huy hiệu quả rõ nét

Trong thời gian này, vai trò của chính sách BHTN càng được thể hiện rõ hơn - ông Tăng Tiến Sơn chia sẻ. Cụ thể, những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ dù phải thực hiện giãn cách xã hội vẫn sẽ được đảm bảo một phần thu nhập, được Quỹ BHTN hỗ trợ tới 60% mức lương hàng tháng với thời gian hưởng tối thiểu 3 tháng và vẫn được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Nhìn từ góc độ toàn ngành, lãnh đạo BHXH Việt Nam đánh giá, cùng với các chính sách hỗ trợ về BHTN theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cho người lao động, việc giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ BHTN, bảo hiểm y tế của ngành BHXH Việt Nam đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn. Qua đó tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách bảo hiểm.
                
   

Trong giai đoạn khó khăn, người lao động luôn có nhu cầu ổn định cuộc sống. Ảnh minh họa: TTXVN

   

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết ngày 5/9/2021, cơ quan BHXH đã xác nhận danh sách cho 795.165 lao động của 29.352 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 62/63 tỉnh, thành phố. Trong đó gồm 613.174 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 26.821 đơn vị; 80.159 lao động ngừng việc để nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người của 1.577 đơn vị; 1.010 lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm của 9 đơn vị; 45.838 lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 của 613 đơn vị, được người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc; 35.516 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động) của 181 đơn vị; 19.468 người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất của 151 đơn vị.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ người lao động thất nghiệp tìm việc làm cũng như thuận tiện hơn trong thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố đang tiếp tục triển khai nhiều phương án. Trong đó, nhiều địa phương đang tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu về vị trí việc làm cho người lao động thông qua kênh điều tra cung - cầu lao động hàng năm, thu thập thông tin thị trường lao động định kỳ; tổ chức sàn giao dịch định kỳ hàng tháng và các phiên giao dịch việc làm lưu động để kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp với người lao động qua hình thức trực tuyến… Qua đó góp phần tích cực vào việc điều tiết thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương.

ĐỨC HUY
Cùng chuyên mục
Phát huy hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp