Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội

(BKTO) - Trong bối cảnh diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) còn thấp, nhất là loại hình BHXH tự nguyện, thì số đối tượng nhận BHXH một lần có xu hướng ngày càng tăng lên sẽ là thách thức rất lớn và lâu dài đối với hệ thống an sinh xã hội nước ta. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần có những giải pháp hiệu quả hơn nhằm hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần.




Cần có những giải pháp hiệu quả hơn nhằm hạn chế tình trạng nhận BHXH một lần. Ảnh minh họa

Người nhận bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng nhanh

Chia sẻ tại Hội thảo “BHXH một lần ở Việt Nam - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” diễn ra mới đây, TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, năm 2019, số người hưởng BHXH một lần tăng 44.703 người, tương đương 5,86% so với năm 2018. Mặc dù tốc độ tăng số người hưởng chế độ BHXH một lần có xu hướng chậm lại (tỷ lệ này của năm 2018 là 14,31%, năm 2017 là 19,33%) nhưng vẫn cao, không bảo đảm tính bền vững trong an sinh xã hội. Đặc biệt, năm 2020, số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng nhanh, với hơn 897.000 người hưởng trợ cấp một lần, so với năm 2015 có 756.074 người hưởng một lần là tăng 140.926 người, tương đương 18,6%. Số người nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng khiến nỗ lực vận động, mở rộng diện bao phủ BHXH phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ThS. Trần Hải Nam - Vụ phó Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39, chiếm 79% tổng số người hưởng BHXH một lần giai đoạn 2014-2018. Những người hưởng BHXH một lần thường có số năm đóng BHXH thấp. Trong giai đoạn 2014-2018, có gần 50% số người đã hưởng BHXH một lần chỉ có dưới 3 năm đóng BHXH. Trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của những người hưởng chế độ BHXH một lần thấp, chủ yếu chưa hết phổ thông trung học và chưa qua đào tạo nghề.

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng hưởng BHXH một lần thời gian qua, như: người lao động bị mất việc làm, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình hoặc đầu tư cho con ăn học, trang trải nợ nần... Bên cạnh đó, hiện chính sách BHXH một lần còn khá thông thoáng, dễ dàng trong tiếp cận khiến người lao động tìm đến như là một công cụ tài chính trước mắt. TS. Bùi Sỹ Lợi phân tích, theo Luật BHXH, điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng. Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH một lần được xem như là có lãi, cùng với việc phải chờ đợi quá lâu để hưởng hưu trí sẽ khiến người lao động mong muốn được nhận BHXH một lần để đáp ứng các nhu cầu trước mắt.

Hoàn thiện chính sách, nâng cao nhận thức của người dân

Theo TS. Nguyễn Thị Chính - Trưởng Khoa Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong giai đoạn 2016-2019 vừa qua, tổng số người tham gia BHXH tăng bình quân hằng năm là 5,86%. Trong khi đó, số người hưởng BHXH một lần giai đoạn này bình quân tăng mỗi năm là 9,17% (từ 614.000 người năm 2016 lên 804.000 người năm 2019). “Nếu xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra trong tương lai thì không những diện bao phủ của BHXH rất khó đạt mục tiêu như mong muốn, mà còn là thách thức rất lớn đối với cả hệ thống an sinh xã hội nước ta” - bà Chính nhận định.

Cũng theo các chuyên gia, việc nhận BHXH một lần còn tác động trực tiếp đến nguồn thu nhập của người lao động khi về già; làm giảm ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội. Trong bối cảnh già hóa dân số, các tác động nói trên còn gây ảnh hưởng lớn hơn.

Trước thực trạng này, TS. Nguyễn Thị Chính đề xuất, cần giảm mức trợ cấp BHXH một lần, nhất là trợ cấp hưu trí một lần đối với những người đến tuổi về hưu nhận trợ cấp hưu trí một lần. Phần đóng góp cho chế độ hưu trí của người sử dụng lao động cho người lao động cần được nghiên cứu cắt giảm nếu người lao động yêu cầu nhận trợ cấp hưu trí một lần; thực hiện chiết khấu số tiền trợ cấp BHXH một lần theo số năm đóng BHXH của người lao động. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, để người lao động thấy được lợi ích của việc nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng, thấy được thiệt hơn khi nhận trợ cấp hằng tháng hay nhận trợ BHXH một lần. Khi người lao động có được những thông tin chính xác, nhiều chiều thì nhận thức của họ sẽ được chuyển biến.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu việc hưởng BHXH một lần, Nhà nước cần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm. Hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ NSNN và huy động các nguồn lực xã hội khác…) nhằm tăng thêm cơ hội cho người lao động có thể tiếp tục tham gia đóng góp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

TS. Bùi Sỹ Lợi kiến nghị, Chính phủ cần đánh giá thật đầy đủ tình hình thực hiện chính sách BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội và đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 93, để tiếp tục thực hiện chính sách BHXH một lần theo tinh thần Điều 60 Luật BHXH năm 2014.

Ð.KHOA
Cùng chuyên mục
Nhận bảo hiểm xã hội một lần: Thách thức lớn đối với hệ thống an sinh xã hội