Ngành Công Thương đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới

(BKTO) - Ngày 2/10, Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ngành Công Thương” đã diễn ra tại Thanh Hóa. Theo Bộ Công Thương, ngoài việc tích cực tham gia triển khai những nhiệm vụ chung của Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, có 2 tiêu chí của Chương trình liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý, chủ trì thực hiện của ngành Công Thương, gồm Tiêu chí số 4 về điện và Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.



                
   

Quang cảnh Hội nghị- Ảnh: MOIT

   

Xác định rõ mục tiêu của từng tiêu chí

Cụ thể, mục tiêu được Chính phủ giao cho ngành Công Thương khi phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM nêu rõ: Tiêu chí số 4 về điện nông thôn là cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn, đến năm 2020 có 100% số xã đạt chuẩn Tiêu chí số 4 về điện; Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo quy hoạch, phù hợp với nhu cầu của người dân, đến năm 2020 có 70% số xã đạt chuẩn Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Để triển khai nhiệm vụ này, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Tiêu chí số 4 và Tiêu chí số 7 thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020. Trong đó, đối với Tiêu chí số 4, Bộ Công Thương nêu mục tiêu đến năm 2015 có 7.709 xã đạt chuẩn về điện, chiếm 85% tổng số xã trên địa bàn cả nước; đến năm 2020 có 8.624 xã đạt chuẩn về điện, chiếm có 95,16%. Đối với Tiêu chí số 7, mục tiêu đưa ra là đến năm 2015 phấn đấu có 3.203 xã đạt chuẩn về chợ nông thôn, chiếm 35% tổng số xã trên địa bàn cả nước (tăng 1860 xã so với năm 2010); đến năm 2020 có 4.526 xã đạt chuẩn về chợ nông thôn, chiếm 50% tổng số xã trên địa bàn cả nước (tăng 1.323 xã so năm 2015).

Kết quả nêu trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của ngành Công Thương cho biết, đến nay, cả nước có 8.902 xã trong đó có 8.072 xã đạt Tiêu chí số 4, chiếm 90,7% tổng số xã của cả nước, tăng 45,94% so với năm 2010 và tăng 8,32% so với thời điểm năm 2015. Trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt Tiêu chí số 4 cao là: Đồng bằng sông Hồng đạt 99,9%; khu vực Bắc Trung bộ đạt 95,5%; vùng duyên hải Nam Trung bộ đạt 96,4%; vùng Đông Nam bộ đạt 90,1%. Đồng thời, có 24 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM về tiêu chí điện.
                
   

Tích cực điện khí hóa nông thôn- Ảnh: EVN

   

Về kết quả thực hiện Tiêu chí số 7, Báo cáo cho thấy, những năm qua, số lượng chợ nông thôn được xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp tiếp tục tăng với sự đa dạng về loại hình và cấp độ. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 8.475 chợ; trong đó có 299 chợ hạng I, chiếm tỷ lệ 3,5%; 903 chợ hạng II chiếm tỷ lệ 10,7%; 7.205 chợ hạng III (trong đó có khoảng 1.533 chợ tạm) chiếm tỷ lệ 85,0% và có 61 chợ đầu mối nông sản cấp vùng và cấp tỉnh; 138 chợ chưa phân hạng.

Riêng trong giai đoạn 2011-2018, cả nước đã xây mới trên 860 chợ; cải tạo nâng cấp trên 1.600 chợ (các loại chợ được xây dựng mới và được cải tạo nâng cấp chủ yếu là chợ hạng III). Các chợ xây dựng mới chủ yếu ở các khu đô thị mới, còn tại các khu đô thị cũ, phần lớn là chợ cũ được nâng cấp cải tạo, một số chợ không còn phù hợp đã được di dời... Nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Phát triển mạng lưới chợ đáp ứng nhu cầu người dân

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong tổng số chợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, số chợ đạt hiệu quả chiếm khoảng 97%. Tính chung trên các địa bàn, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm 35%-40%, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Tổng số người buôn bán tại các chợ khoảng trên 2 triệu người. Riêng các chợ ở khu vực nông thôn, số lượng người buôn bán thường xuyên, cố định chiếm khoảng 47%, còn lại là người bán hàng không thường xuyên (bao gồm cả những người sản xuất trực tiếp bán sản phẩm tự sản xuất).
                
   

Chợ nông thôn thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa- Ảnh: NTM Vĩnh Phúc

   

Cùng với mạng lưới chợ, các loại hình hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại đã được quan tâm đầu tư và có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài. Đến hết năm 2018, trên địa bàn cả nước có 1.007 siêu thị, bao gồm: 167 siêu thị hạng 1; 230 siêu thị hạng 2; 610 siêu thị hạng 3 và 44 siêu thị chưa phân hạng. Nếu phân theo loại hình kinh doanh thì có 513 siêu thị tổng hợp, 284 siêu thị chuyên doanh. Bên cạnh đó, cả nước có 212 trung tâm thương mại, gồm: 48 trung tâm thương mại hạng 1; 20 trung tâm thương mại hạng 2; 141 trung tâm thương mại hạng 3 và 03 trung tâm thương mại chưa phân hạng.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, công tác phát triển và quản lý cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tại các địa phương đã nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp về cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống cho nhân dân vùng nông thôn. Bên cạnh đó, Quyết định số 4800/QĐ-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện và xét công nhận tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đánh giá xã đạt tiêu chí một cách cụ thể và rõ ràng hơn.

Qua rà soát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện Tiêu chí số 7 của các địa phương, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, cả nước có 8.902 xã trong đó có 7.867 xã đạt Tiêu chí số 7 chiếm 88,4% tổng số xã của cả nước, tăng 75,7% so với năm 2010 và tăng 30,45% so với thời điểm năm 2015. Trong đó, các vùng có tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 7 cao là: Đồng bằng sông Hồng đạt 97,2% (tăng 80,86% so với năm 2010 và 18,62% so với năm 2015); khu vực duyên hải Nam Trung bộ đạt 87,6% (tăng 75,48% so với năm 2010 và 23,03% so với năm 2015); vùng Đông Nam bộ đạt 90,3% (tăng 69,62% so với năm 2010 và 21,44% so với năm 2015).

Các tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, gồm: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.

H.THOAN
Cùng chuyên mục
Ngành Công Thương đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới