Lan tỏa lợi ích và sự tin cậy của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

(BKTO) - Chỉ sau một buổi nghe cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, nhiều người dân tại xóm Cụ, xã Thanh Hối đã hiểu rõ ý nghĩa của chính sách và đăng ký tham gia loại hình bảo hiểm này với mong muốn sau này được nhận lương hưu, ổn định cuộc sống khi về già.



                
   

Buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho bà con ở xóm Cụ, xã Thanh Hối

   

Người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của BHXH tự nguyện

Có mặt tại buổi tuyên truyền, Giám đốc BHXH huyện Tân Lạc Nguyễn Ngọc Dương chia sẻ, BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động. Theo Luật BHXH sửa đổi, có nhiều quy định mới về BHXH tự nguyện khắc phục một phần khó khăn cho đối tượng tham gia, như: bỏ quy định tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, bỏ quy định mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở), thay vào đó là quy định mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Phương thức, mức đóng cũng đa dạng tuỳ theo điều kiện người dân, như: đóng hàng tháng hoặc đóng định kỳ 3 tháng; 6 tháng, 12 tháng một lần; đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần... Tuy nhiên, với đặc thù là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên chưa có điều kiện tiếp cận nhiều về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện.

Chia sẻ với chúng tôi trước khi hội nghị diễn ra, chị Lương Thị Thắng cho biết, với thu nhập từ mấy sào ruộng cộng với công phụ hồ theo ngày của chồng, gia đình chị phải tằn tiện lắm mới đủ để trang trải chi phí ăn uống trong ngày và học hành cho các con, nên chưa thể nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện. Còn anh Vi Văn Cường, công nhân xây dựng nhẩm tính, để có lương hưu, mỗi tháng phải dành dụm vài trăm nghìn đồng đóng BHXH tự nguyện. “Năm nay, tôi 36 tuổi, sau khi đóng 20 năm (56 tuổi) mới được hưởng, thời gian đó quá dài nên tôi quyết định không tham gia” - anh Cường nói.

Bà Bùi Thị Thiên - Trưởng xóm Cụ chia sẻ, ngoài hội nghị tuyên truyền của cơ quan BHXH, bà cũng thường xuyên tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện đến người dân trong xóm. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nên không ít người còn e ngại tham gia vì sợ bị rủi ro, lừa đảo…

Đưa chính sách đến với người dân

Tại buổi tuyên truyền, bà con được cán bộ BHXH giới thiệu, giải đáp những thắc mắc xoay quanh chính sách BHXH tự nguyện một cách chi tiết, bài bản và dễ hiểu; đồng thời, giới thiệu về mức đóng, phương thức đóng. Trong đó, trọng tâm là các vấn đề liên quan đến chế độ, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu khi có đủ điều kiện… Qua đó, nhiều người đã thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia tham gia loại hình bảo hiểm này.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Hà Thị Lan (45 tuổi) cho biết, khi thấy một số người bạn đi lĩnh lương hưu, hằng tháng có một khoản tiền để tự do chi tiêu bà mong muốn mình được như vậy. “Chỉ đơn thuần là nông dân, quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn nên tôi không để ý và chưa biết đến lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện. Sau khi được cán bộ BHXH tư vấn tỉ mỉ, tôi đã quyết định mua luôn cho cả 2 vợ chồng. Nếu tôi biết sớm hơn về chính sách BHXH tự nguyện thì tôi đã tham gia từ trước, vì khi tham gia BHXH tự nguyện" - bà Lan chia sẻ.

Còn ông Bùi Văn Trung (50 tuổi) cho biết, khi nghe được tin có cán bộ BHXH huyện về tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tại nhà văn hóa của xóm, ông đã tạm dừng công việc đồng áng đến nghe tư vấn. “Trước đây, tôi ít quan tâm bởi cứ nghĩ những người làm nghề tự do không có cơ hội đóng BHXH và tôi cũng chưa hiểu hết lợi ích mà BHXH tự nguyện mang lại. Chỉ đến khi nghe cán bộ BHXH phân tích, tôi mới hiểu và quyết định tham gia, mặc dù thu nhập hiện tại của tôi cũng chỉ có 3 triệu đồng/tháng. Sau hội nghị này, tôi cũng vận động người thân đóng BHXH tự nguyện để có lương hưu, coi như của dự phòng cho tuổi già”- ông Trung chia sẻ.

Kết thúc buổi tuyên truyền, ngay tại hội nghị đã có 6 người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Nói về thành quả này, ông Nguyễn Ngọc Dương chia sẻ, trước mỗi buổi tuyên truyền, cán bộ BHXH huyện đã làm việc cùng với UBND xã và trưởng xóm để có thể mời được những đối tượng tiềm năng nhất tham gia hội nghị. Tại mỗi hội nghị, đều có sự tham gia của xóm trưởng, Bí thư chi bộ xóm thực hiện tuyên truyền cùng để tăng độ tin cậy. Bên cạnh đó, nắm bắt tâm lý bà con sẽ thắc mắc những vấn đề gì, từ đó mà cán bộ tuyên truyền sẽ lên ý tưởng cho nội dung tuyên truyền, nhằm đánh đúng, đánh trúng vào tâm lý bà con, để bà con có thể hiểu và tự nguyện tham gia. Nhờ vậy nên bà con rất tin tưởng và công tác tuyên truyền mới đạt được hiệu quả cao.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN-KIM AN
Cùng chuyên mục
Lan tỏa lợi ích và sự tin cậy của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện