Khó khăn trong công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các tỉnh miền núi

(BKTO) - Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, tuy nhiên BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự thu hút được người dân; công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh miền núi.



Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện thấp vì kinh tế khó khăn

Đặc thù của các tỉnh miền núi là địa bàn có sự phân bố dân cư rải rác, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, dẫn đến những rào cản về ngôn ngữ, gây khó khăn trong quá trình tuyên truyền, vận động. Đặc biệt, thu nhập của người dân còn thấp là một trong những hạn chế ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ở nhiều nơi, qua công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu được tính ưu việt của chính sách này. Tuy nhiên, do làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, họ không đủ điều kiện kinh tế để tham gia BHXH, có những trường hợp đã tham gia nhưng việc đóng tiền thường bị ngắt quãng hoặc dừng hẳn.

Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 134/195 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số, đời sống của đồng bào còn rất khó khăn, công việc và thu nhập bấp bênh, do đó người dân chưa có điều kiện tham gia đóng BHXH tự nguyện. Theo thống kê, trong vòng 10 năm (2008-2018), toàn tỉnh chỉ tăng mới hơn 1.000 lao động tham gia BHXH tự nguyện.
                
   

Để làm tốt công tác phát triển đối tượng BHXH tự nguyện cần tích cực tuyên truyền đến từng hộ, từng địa bàn, từng thôn bản - Ảnh: ST

   
Trong khi đó, với đặc thù là một tỉnh miền núi, Bắc Giang hiện có khoảng 12% là đồng bào các dân tộc ít người, chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, người dân chưa hiểu rõ chính sách BHXH tự nguyện. Theo phân tích của BHXH tỉnh Bắc Giang, đối tượng tham gia chủ yếu là người đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng vừa chấm dứt hợp đồng lao động nay đóng nối thời gian còn lại theo quy định của Luật BHXH để hưởng lương hưu. Mặc dù biết tham gia BHXH tự nguyện để khi về già có nguồn bảo đảm cuộc sống nhưng phần đông người lao động tự do cho rằng mức đóng vẫn cao mà chỉ được hưởng hưu trí và tử tuất, còn các chế độ khác như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động rất cần thiết với người lao động, nhất là đối tượng nữ thì lại không được hưởng.

Tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền

Tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình) do điều kiện kinh tế chưa phát triển, người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của loại hình bảo hiểm có nhiều ưu việt này, nên công tác vận động tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, BHXH huyện Đà Bắc được giao phát triển 290 chỉ tiêu tham gia BHXH tự nguyện, đến trung tuần tháng 11, trên địa bàn huyện có 283 người tham gia BHXH tự nguyện và đến đầu tháng 12 là hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đến nay, Đà Bắc là huyện đứng thứ 2 toàn tỉnh về công tác phát triển BHXH tự nguyện.

Có được kết quả trên là do BHXH huyện Đà Bắc đã tổ chức tốt các hội nghị tuyên truyền để vận động bà con. Thực tế, sau mỗi hội nghị tuyên truyền, đối thoại, số người tham gia tăng rõ rệt. Chỉ riêng trong ngày 18/11, sau khi ra quân tuyên truyền đã có 24 người tham gia; sau hội nghị tuyên truyền ở xã Mường Chiềng có 17 người tham gia; hội nghị tuyên truyền ở thị trấn Đà Bắc hồi đầu tháng 10 có 31 người tham gia… Kinh nghiệm cho thấy, để làm tốt công tác phát triển đối tượng BHXH tự nguyện cần tích cực tuyên truyền đến từng hộ, từng cá nhân, đồng thời hướng dẫn cụ thể mức đóng, mức hưởng quyền lợi.

Tương tự, Thuận Châu là một trong những huyện nghèo của tỉnh Sơn La, có 28 xã và 1 thị trấn, trong đó 22 xã vùng III (xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, trình độ nhận thức không đồng đều, dân cư sống rải rác, năm 2018 còn gần 40% số hộ nghèo, ảnh hưởng lớn đến phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Thế nhưng, Thuận Châu lại dẫn đầu về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điển hình thực hiện các chính sách BHXH, BHYT của tỉnh.

Đại diện BHXH huyện Thuận Châu chia sẻ, để thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHXH huyện đã chỉ đạo cán bộ sâu sát với cơ sở để nắm bắt tình hình thu nhập trong dân cư, chú trọng địa bàn có tiềm năng và quan trọng nhất là xác định đúng, trúng những đối tượng trong độ tuổi lao động, có nguồn thu nhập ổn định. Đối tượng đầu tiên cần hướng đến là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo xã, xây dựng họ thành “hạt nhân” tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu cơ bản về chính sách bằng cách trang bị tài liệu, hướng dẫn cách tuyên truyền; tư vấn cho đội ngũ cán bộ công chức xã tham gia BHXH cho người trong gia đình và để cho họ đăng ký đầu tiên tại các hội nghị, tạo sự tin tưởng đối với bà con.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an sinh xã hội cho rằng, để dẩy mạnh việc phát triển đối tượng BHXH tự nguyện tại các tỉnh miền núi, BHXH các địa phương, cần phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ngay tại cơ sở và ở từng địa bàn, từng cụm dân cư. Trong đó, quan tâm tới nhóm đối tượng chính là những người dân có mức thu nhập ổn định, các gia đình có thu nhập từ sản xuất kinh tế trang trại; đồi rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…Mặt khác, chủ động trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, cộng tác viên, cán bộ chủ chốt tại cơ sở của các đoàn thể, các đại lý thu BHXH và đặc biệt là các già làng, trưởng bản tại mỗi địa phương và ở từng địa bàn dân cư.

THU HUYỀN
Cùng chuyên mục
Khó khăn trong công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tại các tỉnh miền núi