Kết cấu lương vào giá dịch vụ y tế: Nhiều tác động tích cực

(BKTO) - Việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế đã được Bộ Y tế lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành năm 2017. Trái với những lo ngại ban đầu, thực tế triển khai cho thấy, chủ trương này đã có những tác động tích cực và là bước đi cần thiết trong lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính và tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) giảm số người hưởng lương từ NSNN.



Đẩy nhanh lộ trình BHYTtoàn dân

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế, từ ngày 01/6/2017, các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng mức giá viện phí mới đối với hơn 1.900 dịch vụ y tế (thực hiện theo lộ trình) đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Đáng chú ý, với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế đã có mức tăng 2 - 3 lần so với giá cũ. Nếu không tham gia BHYT, người bệnh sẽ phải chi trả 100% chi phí.

Việc chỉ áp dụng tăng giá viện phí đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT là một yêu cầu tất yếu. Bởi, nhóm đối tượng này đã được hưởng mức giá rẻ hơn trong gần 1 năm so với mức giá dịch vụ do Quỹ BHYT thanh toán cho những bệnh nhân có thẻ BHYT. Việc điều chỉnh giá áp dụng với nhóm đối tượng này thực chất là tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc "đưa lương vào giá" này về cơ bản không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn… vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua thẻ BHYT hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT.

Việc tăng giá viện phí chỉ tác động chủ yếu tới khoảng 15% dân số chưa có thẻ BHYT. Các chuyên gia cho rằng, việc phải chi trả cùng một mức giá như người có thẻ BHYT sẽ giúp những người chưa tham gia cảm nhận rõ hơn ý nghĩa, giá trị của chiếc thẻ BHYT, tạo "sức ép" cần thiết thúc đẩy họ tham gia BHYT, nhằm tránh được những khó khăn về tài chính khi không may gặp rủi ro về sức khỏe.

Thực tế, năm 2017, gần 5 triệu người mới tham gia BHYT, đưa tổng số người đã tham gia đến nay lên khoảng 80 triệu người (tương đương 86,5% dân số, tăng khoảng 5% so với cuối năm 2016). Đây chính là minh chứng cho thấy những tác động tích cực từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế khuyến khích người dân tham gia BHYT. Những kết quả hết sức có ý nghĩa này giúp kéo gần hơn lộ trình hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020; đồng thời thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ chi trả chi phí y tế trực tiếp từ tiền túi của người dân từ mức hơn 40% hiện nay xuống dưới 30% vào năm 2025.

Giảm gánh nặng cho NSNN

Xét trên góc độ tài chính y tế, việc kết cấu tiền lương vào giá dịch vụ y tế được xem là bước đi cần thiết trong lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế, từng bước giảm dần gánh nặng bao cấp của NSNN cho công tác khám, chữa bệnh; chuyển dần việc bao cấp thông qua cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng việc cấp hoặc hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Việc đưa lương vào giá dịch vụ y tế còn góp phần đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở y tế. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay, đã có 24% đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tự đảm bảo 100% chi hoạt động thường xuyên vì các bệnh viện đã được tính tiền lương trong giá dịch vụ; 69% đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên; chỉ còn 7% đơn vị do NSNN đảm bảo chi hoạt động thường xuyên. Đối với các đơn vị trực thuộc địa phương, cũng đã có 1,3% tự đảm bảo 100% chi hoạt động thường xuyên; 57,5% đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên và 41,2% do NSNN cấp.

Đặc biệt, với việc tăng giá dịch vụ y tế, phần thu tăng thêm do Bảo hiểm xã hội thanh toán đã tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ tốt hơn người có thẻ BHYT, khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải tuyến trên. Nhờ đó, hàng loạt những vấn đề bất cập, nổi cộm của ngành y tế thời gian qua đã và đang dần được tháo gỡ như: củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng phục vụ làm hài lòng người bệnh; tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên cơ bản được giải quyết…

N.HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 06 ra ngày 08-02-2018
Cùng chuyên mục
  • Những bài học từ mùa xuân
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Những cái Tết thời ấu thơ, bố đi xuất khẩu lao động, mẹ con thường rời Vinh kéo nhau về nhà ông bà ăn Tết ở Đô Lương. Và không biết tự lúc nào, những đứa trẻ nửa quê nửa phố như tôi vẫn thường có những sự so sánh khá thú vị về Tết quê và phố. Chẳng hiểu vì những lí do gì mà lòng mình vẫn nghiêng hẳn ân tình về vùng quê.
  • Trao 265 phần quà cho học sinh vùng cao
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 05/02, được sự đồng ý của Đảng ủy Đảng bộ bộ phận và lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh KTNN chuyên ngành VI đã phát động chương trình thiện nguyện “Áo ấm vùng cao”, trao tặng nhiều phần quà cho các em nhỏ vùng cao biên giới tại trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
  • Tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực kiểm toán: Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) do Bộ Tài chính ban hành dựa trên Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISA). Đây là cơ sở để định hướng hoạt động chuyên môn cho các Kiểm toán viên (KTV) và DN kiểm toán. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán vẫn còn nhiều hạn chế.
  • Xây dựng Chương trình môn học:   Thận trọng để không lặp lại “vết xe đổ”
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo Các chương trình môn học, hoạt động giáo dục (Chương trình môn học) trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Việc xây dựng Chương trình môn học ra sao để không lặp lại “vết xe đổ” từng xảy ra với mô hình trường học mới là băn khoăn của nhiều chuyên gia khi góp ý về Dự thảo này.
  • Giáo dục đại học công lập cần giảm  sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước (NSNN) cho giáo dục đại học vẫn phức tạp, manh mún, mang tính bình quân, chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra. Vì vậy, các chuyên gia tài chính cho rằng, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, thay đổi từ phương thức phân bổ NSNN theo dự toán sang phương thức Nhà nước đặt hàng đào tạo theo nhu cầu sử dụng.
Kết cấu lương vào giá dịch vụ y tế: Nhiều tác động tích cực