Hà Tĩnh: Điểm sáng trong phát triển y tế cơ sở

(BKTO) - Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư nguồn lực triển khai và được đánh giá là một trong những điểm sáng của cả nước trong phát triển mạng lưới y tế cơ sở.




Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thăm hỏi bệnh nhân tại Trạm y tế thị trấn Phố Châu (Hà Tĩnh)
100% trạm y tế đủ điều kiệnkhám, chữa bệnh bảo hiểmy tế

Tại buổi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên với UBND tỉnh Hà Tĩnh về công tác y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh mới đây, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trên cơ sở Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm triển khai, Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả nhất định: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 83,01%; số bác sĩ/vạn dân đạt 10 bác sĩ/vạn dân; số giường bệnh/vạn dân đạt 26 giường bệnh/vạn dân. Số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020 đạt 98%; có 90% trạm y tế có bác sĩ; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh, y sĩ sản nhi. Đặc biệt, đến nay, Hà Tĩnh đã có hơn 95% người dân được tạo lập hồ sơ sức khoẻ; 100% trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh (KCB) BHYT; 110/216 trạm y tế thực hiện quản lý, điều trị được một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường và năm 2020 tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm cho 100% trạm y tế trong toàn tỉnh.

Điển hình như Trạm y tế thị trấn Phố Châu, tỷ lệ người dân tham gia BHYT khoảng 95%. Gần 90% người dân (khoảng 9.000 người) được lập hồ sơ quản lý sức khoẻ điện tử. Hiện Trạm y tế đang quản lý khoảng 1.200 người bệnh tăng huyết áp và đang hoàn thiện hồ sơ để chuyển bệnh nhân đái tháo đường về tuyến xã quản lý. Còn Trạm y tế xã Quang Diệm hiện KCB cho khoảng 6.600 người dân, quản lý 350 bệnh nhân tăng huyết áp; thường xuyên có 100 người dân nhận thuốc tại Trạm y tế.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện sắp xếp 262 trạm y tế xã, phường, thị trấn thành 216 trạm (giảm 46 trạm); đồng thời bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và công tác y tế học đường cho trạm y tế.

Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho y tế cơ sở

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Phan Lê Thu Hằng đánh giá, Hà Tĩnh là điểm sáng trong thực hiện y tế cơ sở của cả nước. Chính quyền và ngành y tế đã quan tâm vào cuộc tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo, nhất là trong việc thực hiện lập hồ sơ sức khoẻ, xây dựng y tế cơ sở.

Đánh giá cao những nỗ lực của Hà Tĩnh trong việc xây dựng hệ thống các trạm y tế xã, với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị cơ bản đầy đủ; nhân lực có đủ về cơ cấu; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; tiêm chủng mở rộng, quản lý thai sản, quản lý bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường…, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục tập trung sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn; thực hiện tốt các chương trình y tế dự phòng, nhất là đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng để phòng ngừa dịch bệnh. Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng dân số, đẩy mạnh phòng, chống bệnh truyền nhiễm có nguy cơ và làm tốt công tác quản lý bệnh không lây nhiễm.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần mở rộng thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh nhằm nâng cao năng lực KCB cho y tế cơ sở, qua đó góp phần giảm tải tuyến trên; nâng cao chất lượng khám BHYT; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý KCB, nhất là trong hệ thống y tế tư nhân; tổ chức kết nối liên thông để phát huy tối đa hồ sơ sức khỏe điện tử.n

Bài và ảnh: TIẾN DŨNG
Cùng chuyên mục
Hà Tĩnh: Điểm sáng trong phát triển y tế cơ sở