Đổi mới chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế: Hướng đến mục tiêu toàn dân tham gia Bảo hiểm y tế

(BKTO) - Đây là một trong những vấn đề được đặt ra đối với chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHYT (2014-2019) và xin ý kiến Dự thảo Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH)Việt Nam tổ chức mới đây.



                
   

Việc sửa đổi chính sách BHYT còn góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu
   khám, chữa bệnh của người dân

   

Khẳng định tính ưu việt của chính sách Bảo hiểm y tế

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Luật BHYT ra đời năm 2008 và sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã đánh dấu một bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân, thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho người dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Thực hiện Luật BHYT, 5 năm qua, số người tham gia BHYT ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt gần 90% dân số. Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT. Với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế, chính sách BHYT tiến bộ qua từng thời kỳ.

Chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được Quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Tính đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Đặc biệt, chính sách BHYT đã góp phần củng cố và phát triển hệ thống y tế (nhất là y tế cơ sở), nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chính sách thông tuyến KCB cũng đã mang lại những thuận lợi nhất định cho người dân khi tham gia KCB. Cụ thể, người tham gia cũng được tạo điều kiện trong KCB BHYT ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã trong phạm vi tỉnh và tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc. BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động và tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT như: ứng dụng công nghệ thông tin trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin… đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách BHYT

Có thể thấy những kết quả, thành tựu trong thực hiện Luật BHYT 5 năm qua là rất lớn, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật.

Công tác tổ chức thực hiện vẫn còn hạn chế do năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh. Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT cũng cần được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp với thực tiễn như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức KCB BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; công tác giám định; quản lý và sử dụng Quỹ BHYT…

Từ thực tế đó, ngày 22/5/2018, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 453/KH-BYT xây dựng Dự án Luật BHYT sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét,ban hành, nhằm phù hợp với tình hình mới.

Hiện, Dự thảo Luật BHYT sửa đổi được Bộ Y tế xây dựng có 12 chương, 61 điều. Mục tiêu sửa đổi nhằm: khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 10 năm thực hiện Luật BHXH; đổi mới chính sách, pháp luật về BHYT trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, học tập bài học kinh nghiệm về BHYT trên thế giới; đồng bộ với những quy định tại các luật có liên quan.

Theo đó, các nội dung được định hướng sửa đổi trong Dự thảo Luật, gồm: Điều chỉnh quyền lợi BHYT; kiểm soát chi phí KCB BHYT; điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH; về tổ chức hệ thống giám định BHYT và thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia BHYT...

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, mục tiêu cuối cùng của việc sửa đổi Luật BHYT, đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB của người dân, hướng tới thực hiện chính sách BHYT toàn dân, cũng như tạo lập chính sách an sinh xã hội trên nguyên tắc chia sẻ của người dân với cộng đồng.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Đổi mới chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế: Hướng đến mục tiêu toàn dân tham gia Bảo hiểm y tế