Doanh nghiệp chây ì đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động: Cần kiên quyết xử lý vi phạm

(BKTO) - Tình trạng DN chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là BHXH) đang khiến cho người lao động (NLĐ) bị thiệt thòi, khi không được thụ hưởng chính sách, cũng như gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh của Nhà nước. Do đó, các biện pháp xử lý mạnh tay, kiên quyết cần tiếp tục được duy trì để giúp giảm thiểu và sớm ngăn chặn tình trạng này.



Người lao động lao đao vì doanh nghiệp trốn trách nhiệm

Những ngày cuối tháng 7, hàng nghìn NLĐ tại tỉnh Bình Dương rơi vào cảnh khó khăn, vì DN phải tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Khó chồng khó, khi nhiều NLĐ trong số đó cũng không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn.

Lí do là các lao động này chưa tham gia BHXH (khoảng 109.000 người), phần lớn trong số đó là chưa được DN ký hợp đồng lao động hoặc chưa được DN đóng BHXH theo quy định. Điều đáng mừng là hiện nay, địa phương đã linh hoạt giải quyết hỗ trợ cho NLĐ để chăm lo, đảm bảo an sinh cho mọi đối tượng NLĐ và người dân trên địa bàn, theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Tuy nhiên, qua việc này để thấy, sự thiếu trách nhiệm của các DN đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi thụ hưởng chính sách an sinh của NLĐ.
                
   

Cơ quan BHXH đang nỗ lực để giải quyết chính sách cho người dân, NLĐ. Ảnh: N.LỘC

   

Đây cũng là thực trạng nhức nhối diễn ra trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất cả nước. Tình trạng NLĐ không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định với lí do tương tự như trên, sau khi DN phải đóng cửa hoặc giải thể khiến cho nhiều người lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (triển khai Nghị quyết 68), BHXH Thành phố đã xác nhận danh sách tham gia BHXH cho 196.500 NLĐ tại 14.492 đơn vị để làm thủ tục hưởng mức hỗ trợ 3.710.000 đồng do tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trên 30 ngày do dịch Covid-19.

Điều đáng nói, trong khi cơ quan BHXH đang khẩn trương, tìm mọi giải pháp theo quy định và trong điều kiện đặc thù của địa phương để có thể hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì nhiều DN thiếu trách nhiệm với NLĐ khi chây ì, hoặc nợ đóng BHXH cho NLĐ, khiến cơ quan BHXH không có cơ sở xác nhận cho NLĐ để hưởng chính sách hỗ trợ theo đúng đối tượng được quy định trong Nghị quyết 68; cũng như không thể hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Kiên quyết xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm

Thời gian qua, tình trạng DN chây ì đóng BHXH và không thực hiện pháp luật về lao động gây bức xúc trong dư luận xã hội, đẩy NLĐ đến rủi ro khi không được thụ hưởng chính sách an sinh theo quy định.

Theo thống kê của BHXH TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 12/8, có khoảng 839 đơn vị đang nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên.

Giám đốc BHXH Thành phố cho biết, trên địa bàn Thành phố vẫn có khoảng 100 nghìn đơn vị, DN chưa tham gia BHXH cho NLĐ. "Khi dịch bệnh được kiểm soát, BHXH Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của DN nhằm bảo đảm quyền thụ hưởng cho NLĐ" - ông Mến cho hay.

Còn theo đại diện tỉnh Bình Dương, bên cạnh việc đảm bảo chăm lo cho NLĐ không được DN đóng BHXH cho, địa phương cũng sẽ cập nhật và công bố danh sách các đơn vị, DN chây ì đóng BHXH cho NLĐ, đưa các DN này vào kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, BHXH khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định.
                
   

Cần tăng cường thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các DN nợ đọng BHXH kéo dài, số tiền lớn. Ảnh: BHXH Việt Nam

   

Theo BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH còn khá phổ biến. Việc xử lý đối với đơn vị, DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động... vẫn khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, số nợ đóng, chậm đóng BHXH dự báo có thể tiếp tục gia tăng, trong đó, đáng lưu ý là nhóm chậm đóng từ 03 năm trở lên vì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ, riêng số nợ của nhóm này và nợ lãi chậm đóng đã chiếm gần 60% tổng số nợ BHXH.
         
Tính đến ngày 31/12/2020 tổng số tiền nợ đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi chậm đóng là 3.017 tỷ đồng, chiếm khoảng 26% tổng số nợ).
Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho DN, NLĐ do đại dịch Covid-19, Chính phủ, các Bộ, ngành đã kịp thời ban hành các biện pháp hỗ trợ, theo đó, cơ quan BHXH đã kịp thời thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các đơn vị, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đối với các trường hợp DN cố tình chây ì đóng BHXH cho NLĐ, BHXH Việt Nam cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp kiên quyết, hiệu quả hơn nữa để chấn chỉnh. Trong đó, những cách làm quyết liệt, hiệu quả như BHXH TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... đang thực hiện (chuyển hồ sơ các DN chây ì khắc phục nợ sau khi bị thanh tra, xử phạt sang cơ quan Công an đề nghị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự; đẩy mạnh thanh tra đột xuất các DN nợ BHXH kéo dài, công khai danh sách nợ đọng BHXH lớn; kiến nghị không cho các DN này nhận dự án mới...) cần được đẩy mạnh và nhân rộng hơn nữa, từ đó tạo sự chuyển biến thực chất trong việc thực hiện pháp luật về BHXH.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp chây ì đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động: Cần kiên quyết xử lý vi phạm