Để mọi người lao động đều có “lưới đỡ” an sinh…

(BKTO) - Đảm bảo an sinh xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Trong đó, việc mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) - trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội - là một trong những điều kiện tiên quyết để mọi người lao động đều có “lưới đỡ” an sinh và “không ai bị bỏ lại phía sau”.




Thiết kế chính sách, giải pháp phù hợp

Xuất phát từ yêu cầu trên, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã xác định rõ mục tiêu phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng tới bao phủ toàn dân cũng như đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2021, cả nước phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Thực tế những năm qua, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH luôn được chú trọng đẩy mạnh, với số người tham gia năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, đối với người lao động khu vực phi chính thức, việc bao phủ BHXH vẫn còn “khoảng trống” lớn. Theo thống kê, đến cuối năm 2018, cả nước chỉ có 271.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong tổng số khoảng 34 triệu lao động chưa tham gia BHXH - một con số khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, trong số những người tham gia BHXH tự nguyện, có đến 60% đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nên đóng tiếp để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí. Điều này đồng nghĩa với hơn 99% lao động ở khu vực phi chính thức vẫn nằm ngoài lưới an sinh xã hội.

Vấn đề làm thế nào để tăng diện bao phủ BHXH, đặc biệt là với lao động khu vực phi chính thức đã được đặt ra tại nhiều hội thảo, diễn đàn. Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, nhiều chuyên gia về an sinh xã hội cho rằng, để tăng diện bao phủ BHXH, bên cạnh việc tăng cường thông tin, tuyên truyền, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH và pháp luật có liên quan với những cải cách phù hợp thực tiễn là yêu cầu cấp thiết, nhằm tăng sức hấp dẫn của chính sách, thu hút người lao động tham gia.

Theo đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tăng tính hấp dẫn của chế độ BHXH tự nguyện theo hướng thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt tạo điều kiện cho người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng... Cùng với đó, điều kiện hưởng chế độ hưu trí cần được sửa đổi theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Chính sách cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp nhằm giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần; tăng cường sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các chế độ trong chính sách BHXH…

Tăng cường đầu tư từ Nhà nước và doanh nghiệp

Cùng với những cải cách về mặt chính sách, việc tăng cường vai trò quản lý và sự đầu tư của Nhà nước đối với lĩnh vực an sinh xã hội cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra. Theo ông Lê Hải Đạt - Chuyên gia về An sinh xã hội (Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO), việc mở rộng an sinh xã hội cần tiếp cận theo 3 cách, đó là giảm gánh nặng hành chính, giảm gánh nặng tài chính và tăng mức độ tuân thủ pháp luật. Trong đó, sự đầu tư của Chính phủ cần đi đầu để đạt được diện bao phủ BHXH như chính sách bảo hiểm y tế (BHYT). Nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ NSNN, ngân sách địa phương và thực hiện bao phủ BHYT bắt buộc nên đến nay, BHYT đã gần đạt mục tiêu bao phủ toàn dân.

Mặt khác, theo ông Đạt, bản thân DN cũng cần nhận thức sâu sắc về lợi ích đầu tư cho an sinh xã hội. “Kết quả OLS (kết quả ước lượng bình phương nhỏ nhất) cho thấy, khi DN tăng độ che phủ an sinh xã hội thêm 10% thì doanh thu sẽ tăng từ 5,2 - 5,9%. Mức tăng doanh thu này có xu hướng tăng lên tỷ lệ với thời gian tồn tại của DN. Còn tính toán hiệu ứng cố định cho thấy, DN tăng độ che phủ an sinh xã hội thêm 10% thì doanh thu sẽ tăng từ 1,3 - 1,5%, tỷ lệ với sự gia tăng thời gian tồn tại của DN” - ông Đạt dẫn số liệu.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện, làm cơ sở hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện, với sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả Đề án Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH để người dân dễ dàng tiếp cận chính sách...
Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019
Cùng chuyên mục
Để mọi người lao động đều có “lưới đỡ” an sinh…