Đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới

(BKTO - Quá trình rà soát việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2011-2020 cho thấy, việc đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện thành công Chiến lược này trong giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết.



                
   

Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ về BĐG - Ảnh: TTXVN

   

Tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về BĐG và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 và triển khai Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết: Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm triển khai Chiến lược, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ về BĐG, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực trong thực hiện BĐG ở Việt Nam. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG giai đoạn tới.

Bà Elisa Fernandez Saezn - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam - nhấn mạnh: “Quá trình rà soát việc thực hiện Chiến lược giai đoạn 10 năm vừa qua cho thấy, việc đảm bảo nguồn lực tài chính cho BĐG, đặc biệt từ nguồn chi đầu tư từ NSNN để thực hiện các mục tiêu của Chiến lược là rất cần thiết”.

Để làm được điều này, theo bà Elisa Fernandez Saezn, cần phải đảm bảo các mục tiêu của Chiến lược được lồng ghép một cách nghiêm túc trong các kế hoạch của ngành và địa phương cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia. Việt Nam cũng cần đầu tư có mục tiêu vào thay đổi chuẩn mực xã hội theo hướng thúc đẩy BĐG. Đây là xu hướng của rất nhiều quốc gia trên thế giới và cũng là mục tiêu đầu tiên của Chiến lược 2021-2030.

Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030, hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương cần rà soát, đánh giá, đề xuất các chính sách đặc thù thúc đẩy BĐG, trong đó ưu tiên nhóm đối tượng yếu thế gồm: phụ nữ, trẻ em ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn;

Chủ động lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược, Kế hoạch về BĐG vào các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch, dự án của đơn vị, địa phương và đảm bảo bố trí kinh phí cho việc thực hiện các mục tiêu này;

Triển khai hiệu quả công tác truyền thông về BĐG; thu thập và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐG; mở rộng các mô hình, dịch vụ về BĐG;

Quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học về BĐG, thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược ở các cấp;

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác BĐG./.
THÀNH ĐỨC
         
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã tặng Bằng khen cho 154 tập thể và 156 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020 và Đề án phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020.
Cùng chuyên mục
Đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới