Còn nhiều thách thức để đưa công tác giảm nghèo đạt được những kết quả bền vững

(BKTO) - Trong năm qua, tỷ lệ hộ nghèo có giảm, người dân ý thức hơn trong việc vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, do diễn biến thiên tai phức tạp, thiếu mô hình sản xuất phù hợp hỗ trợ người dân thoát nghèo.... đang khiến cho công tác giảm nghèo bền vững gặp nhiều thách thức.



Những nỗ lực thoát nghèo

Theo báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong năm qua, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Có 12 tỉnh đã giảm được trên 4.000 hộ nghèo DTTS trong một năm. Đây là những địa phương đại diện cho từng vùng, mang đặc thù riêng. Tại đồng bằng sông Cửu Long, 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh có số lượng đồng bào dân tộc Khmer đông nhất vùng Tây Nam Bộ; hay như Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang từng là những vùng rất khó khăn nhưng hiện cũng đã có được những cách làm hiệu quả giúp người dân giảm nghèo. Đáng chú ý, tỷ lệ tái nghèo cũng có bước chuyển biến mạnh. Nếu như trước đây, tỷ lệ tái nghèo bình quân khoảng 12% trên tổng số hộ thoát nghèo thì giai đoạn này chỉ còn hơn 5%.
                
   

Quả sơn tra đang giúp đồng bào dân tộc Mông ở huyện miền núi Bắc Yên, tỉnh Sơn La thoát nghèo -Ảnh: Minh Hà

   

Một điểm nhấn khác, đó là hiệu quả từ công tác tuyên truyền đã góp phần làm thay đổi nhận thức, ý thức đối với công tác giảm nghèo của người dân. Chia sẻ tại chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Để chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống” do Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp tổ chức mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, thời gian qua, có nhiều hộ dân tại Quảng Ninh và những địa phương khác xin ra khỏi hộ nghèo. Qua tiếp xúc với cử tri có thể nhận thấy, đây là điểm rất đáng ghi nhận, đánh giá sự chuyển biến về nhận thức của người dân. “Khi người dân gặp khó khăn cần phải được Nhà nước hỗ trợ. Khi người ta đủ điều kiện mà tự nguyện ra khỏi danh sách nghèo là thành công của chương trình giảm nghèo quốc gia” - ông Lợi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Võ Văn Bảy- Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình 135 (Ủy ban Dân tộc) cũng cho rằng, trước đây, có nhiều gia đình không muốn thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo; xã, huyện đều muốn nằm trong danh sách địa phương nghèo để được hỗ trợ. Giờ nhận thức đã chuyển biến, khi người dân, địa phương thấy mình đủ điều kiện cần có sự chia sẻ hỗ trợ cho những gia đình, địa phương khác để không ai bị bỏ lại phía sau.

Khắc phục thách thức để giảm nghèo bền vững

Ghi nhận những nỗ lực và kết quả trong công tác giảm nghèo, chống tái nghèo, tuy nhiên, đại diện Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cũng thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức để đưa công tác này đạt được những kết quả bền vững.

Theo ông Ngô Trường Thi- Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa vững chắc, chênh lệch giàu- nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tỷ trọng hộ nghèo DTTS chiếm 52,6% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước. Các hộ nghèo đa chiều có người khuyết tật ít được tiếp cận với cơ hội giáo dục và việc làm hơn so với mức trung bình của cả nước.
                
   

Dù có chuyển biến, nhưng công tác giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là tại vùng DTTS và miền núi -Ảnh: Huy Bảo

   

Nguyên nhân, theo ông Ngô Trường Thi, là do thiên tai, rủi ro trong cuộc sống. Cụ thể, hai năm vừa qua, thiên tai liên tục xảy ra tại các địa phương như Sơn La, Lạng Sơn dẫn đến tỷ lệ hộ tái nghèo tương đối lớn, chiếm gần 23% trên tổng số hộ thoát nghèo tại đây. Tuy nhiên, ông Thi cũng cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận thì còn một nguyên nhân nữa, đó là sự chủ quan trong công tác quản lý hộ nghèo của địa phương; chính sách hỗ trợ được duy trì trong thời gian dài, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại của người nghèo. Ngoài ra, nguồn lực thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo vẫn còn dàn trải, chưa tập trung để đủ độ tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo DTTS.

Đề cập đến giải pháp, ông Ngô Trường Thi cho biết, trước mắt, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ yêu cầu các địa phương rà soát kỹ những đối tượng hộ nghèo có thành viên là người có công và dứt khoát bằng mọi cách chậm nhất đến cuối năm 2019 cả nước không còn đối tượng này. “Bộ cũng đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát và thẩm định kỹ những trường hợp phát sinh nghèo, phải chỉ ra nguyên nhân, chứ không phải cứ rà soát trên giấy rồi báo cáo lên. Đây là một bài học, trong quản lý phải thường xuyên có điều tra, có giám sát để hạn chế tình trạng này” - ông Ngô Trường Thi cho biết.
         
Năm 2018, đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1- 1,3% so với cuối năm 2017, dự kiến, hộ nghèo DTTS so với tổng hộ DTTS giảm 3,06% so với cuối năm 2017. Những kết quả này đã giúp Việt Nam vươn lên đứng thứ 57 trong số 193 nước thành viên của Liên hợp quốc về chỉ số giảm nghèo bền vững năm 2018, tăng 9 bậc so với xếp hạng năm 2017.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao  hiệu quả sử dụng vốn ODA cho giáo dục
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Kết quả sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thời gian qua được đánh giá là góp phần đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT nói riêng và việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Tuy nhiên, những bất cập trong sử dụng nguồn vốn này thời gian qua đặt ra yêu cầu đổi mới công tác quản lý, đảm bảo hiệu quả cao nhất cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn ODA.
  • Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm tải so với chương trình hiện hành
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố kế hoạch triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020- 2021, bắt đầu từ lớp 1 với cam kết giảm tải so với chương trình hiện hành.
  • Cấm triệt để quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá dưới mọi hình thức
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức Hội thảo tăng cường hoạt động tuyên truyền về việc thực thi Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và Luật phòng, chống tác hại thuốc lá.
  • 10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2018
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Năm 2018 đang dần khép lại với những sự kiện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự… tác động tới nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Sau đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn:
  • Đề xuất mở rộng đối tượng tuyển sinh cao đẳng nghề
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng. Trong đó, Bộ đề xuất mở rộng đối tượng tuyển sinh đối với trình độ cao đẳng.
Còn nhiều thách thức để đưa công tác giảm nghèo đạt được những kết quả bền vững