Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Động lực mới phát triển kinh tế nông thôn

(BKTO) - Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tuy mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển các sản phẩm có lợi thế của các địa phương. Tuy nhiên, để đưa Chương trình đi vào chiều sâu, các địa phương, DN… vẫn cần chú trọng thực hiện những giải pháp nhằm đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.



Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, mặc dù Chương trình OCOP mới được triển khai cách đây 6 năm và thực tế gần 1 năm trước, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt việc thực hiện Chương trình này nhưng việc thực hiện Chương trình đã tạo ra xu hướng mới và mang lại hiệu quả rõ rệt cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Điều tra sơ bộ vùng nông thôn cả nước cho thấy, có hơn 6.000 DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình (có đăng ký kinh doanh); trong đó, có 3.126 DN (chiếm 76,6% số DN sản xuất nông nghiệp trong cả nước) tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ - du lịch nông thôn. Kết quả phân tích, đánh giá cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách bài bản, đồng bộ. Việc đầu tư, phát triển các sản phẩm này sẽ góp phần tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững.

Đại diện một số địa phương cũng khẳng định, OCOP bước đầu đã tạo ra được nhiều sản phẩm thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như tỉnh Quảng Nam, việc thực hiện OCOP bước đầu còn khá lúng túng, các chủ thể sản xuất hầu hết đều không nắm được sản phẩm của họ cần bao nhiêu chỉ tiêu an toàn thực phẩm mới đảm bảo quy định, giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu này. Ngoài ra, thủ tục về công bố sản phẩm, nhất là công bố sản phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ còn khó khăn, phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí.

Cần kết nối OCOP toàn cầu

Với vai trò là Tư vấn quốc gia Chương trình OCOP, PGS,TS. Trần Văn Ơn (Công ty Cổ phần Dược khoa) cho rằng, để Chương trình mang lại hiệu quả cao hơn, đầu tiên, phải xác định các sản phẩm do nông dân đề xuất. Bởi, khi nông dân tự đề xuất, họ sẽ tự giác theo đuổi ý tưởng của mình và dành nguồn lực để thực hiện. Một số địa phương vì nhiều lý do khác nhau đã xác định và chỉ định “ai phải làm sản phẩm nào” là sai cơ bản về nguyên tắc. Thứ 2, dựa trên đề xuất của nông dân, Nhà nước có thể hỗ trợ một cách toàn diện. Thứ 3, tất cả các sản phẩm đã đăng ký OCOP phải tham gia giới thiệu rộng rãi. Thứ 4, các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP phải được hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Một thực tế được PGS,TS. Trần Văn Ơn dẫn chứng là: có địa phương đã tiến hành đào tạo, huấn luyện cho các giám đốc hợp tác xã, DN, tổ hợp tác... trước khi nông dân đề xuất ý tưởng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều người được đào tạo, tập huấn mà không đề xuất ý tưởng và ngược lại, nông dân đề xuất ý tưởng về sản phẩm lại chưa được đào tạo. Điều này dẫn đến việc nhiều địa phương phải đào tạo, tập huấn lại, gây lãng phí nguồn nhân lực.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, nguồn lực và quảng bá Chương trình OCOP, các chuyên gia quốc tế cho rằng, OCOP cần được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc chính: “Từ địa phương tiến ra toàn cầu”, “Tự tin - sáng tạo”, “Tập trung phát triển nguồn lực”. Sản phẩm OCOP được xác định ngay từ đầu là không những phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương, trong nước mà còn để cạnh tranh với sản phẩm của các nước trên thị trường thế giới. Do đó, chất lượng nông sản phải không ngừng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Nông dân không những được đào tạo bài bản, có kiến thức về sản xuất nông nghiệp, ứng dụng thành thạo những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật mà còn được cung cấp những kiến thức về kinh doanh để có thể tự xây dựng các chiến lược kinh doanh, cạnh tranh sản phẩm của mình.

Tại Diễn đàn quốc tế Kết nối mạng lưới toàn cầu OCOP, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, muốn Chương trình OCOP thành công, đầu tiên, phải kết nối các sản phẩm OCOP với người tiêu dùng ở trong từng địa phương và trong phạm vi quốc gia. Nhưng để thành công hơn nữa thì phải có kết nối OCOP toàn cầu, kết nối các quốc gia có Chương trình này để hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm. Thực hiện kết nối mạng lưới OCOP trong mỗi địa phương và quốc gia, làm cơ sở để kết nối thành công với mạng lưới quốc tế, các Bộ, ngành, địa phương và các DN, hợp tác xã cần tập trung vào 4 nhóm hành động chính: nâng cao năng lực và đào tạo; dịch vụ tư vấn phát triển sản phẩm OCOP; kết nối hoạt động giao thương và học hỏi kinh nghiệm thực tế; truyền thông sáng tạo tiếp cận với sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, Bộ NN&PTNT bám sát Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/ 2018 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chương trình OCOP bằng các công việc, đề án cụ thể, tổ chức triển lãm Hội chợ OCOP định kỳ cấp vùng, địa phương và quy mô quốc gia.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 17+18 ra ngày 25-4-2019
Cùng chuyên mục
  • Tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình- Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Ban Chỉ đạo (BCĐ).
  • Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 467/QĐ-TTg ngày 25/4/019 về tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
  • Giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO)- Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
  • Công đoàn tích cực bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT cho người lao động
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với tư cách là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong những năm qua, Công đoàn Việt Nam đã chủ động tham gia, góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Luật Việc làm; tuyên truyền, phổ biến, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)…
  • Đẩy mạnh cải cách hành chính -  “mệnh lệnh” không thể chần chừ
    5 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Những nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị cung cấp dịch vụ công đã và đang được người dân, DN ghi nhận, bước đầu đánh giá cao. Đây cũng chính là cơ sở, động lực để công tác CCHC trong thời gian tới tiếp tục có những đổi mới mang tính đột phá, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Động lực mới phát triển kinh tế nông thôn